Hôm nay (15/5) là thời hạn các chủ thuê bao di động phải hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thuê bao có thông tin không trùng khớp sẽ bị nhà mạng thu hồi theo quy định.
Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, sau ngày 15/4, có tổng cộng 1,15 triệu thuê bao bị khóa hai chiều. Tính đến thời điểm hiện tại, còn gần 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Đây cũng là những thuê bao thuộc diện phải thu hồi nếu không thực hiện chuẩn hóa.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, tính đến hết 14/5, các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi, hủy hơn 985.000 thuê bao. "Lượng thuê bao bị hủy và thu hồi chiếm 86,65% tổng số thuê bao đã bị khóa 2 chiều (khoảng 1,15 triệu)", ông Nhã nói.
Trước đó, các nhà mạng đã tiến hành gửi tin nhắn thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin không trùng khớp. 15 ngày kể từ sau thời điểm đó, nhà mạng mới bắt đầu khóa thuê bao một chiều. Các thuê bao này sau đó tiếp tục có khoảng thời gian 30 ngày để cập nhật thông tin trước khi bị khóa 2 chiều và 30 ngày nữa trước khi bị thu hồi số.
Như vậy, những thuê bao bị thu hồi từ hôm nay là các SIM đã quá hạn 75 ngày chuẩn hóa thông tin theo quy định. Các thuê bao này sẽ bị nhà mạng chính thức cắt dịch vụ và thu hồi về kho số.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc đã khẳng định, sẽ thu hồi tập thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin theo quy định tại Nghị định 49/2017. Theo ông Phúc, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ở bước tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM trở lên.
Trong tháng 5 và 6, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao trên điện thoại. Việc xử lý và tuyên truyền về một số vụ việc điển hình được kỳ vọng sẽ tác động mạnh tới nhận thức và góp phần răn đe các hành vi vi phạm.
Để xử lý vấn đề cuộc gọi rác, Cục Viễn thông sẽ triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời với các biện pháp kể trên, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc kiểm tra việc ngăn chặn, thu hồi các số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra xử lý các trạm BTS giả.
Thực tế cho thấy, nhiều sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức các đoàn thanh tra về việc quản lý thông tin thuê bao di động. Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, đơn vị này đang tổ chức 6 đoàn thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về SIM số, lưu trữ bảo vệ thông tin cá nhân.
Ở một địa phương khác là Cao Bằng, Sở TT&TT tỉnh này cũng đang tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn như Viettel, VNPT, MobiFone. Đối tượng thanh tra cũng bao gồm các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng thuê bao với số lượng lớn, tổ chức, cá nhân phân phối, bán SIM điện thoại.
Tại Hải Dương, từ 9/5, Sở TT&TT Hải Dương đã công bố quyết định thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao di động đối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nội dung thanh tra tập trung vào việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đúng quy định, ngăn chặn tình trạng SIM rác.
Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực TT&TT, Bộ TT&TT cho biết đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để SIM không chính chủ, hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM rác, phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.