Những ngày gần đây, nhiều người dùng di động liên tục nhận được cuộc gọi mạo danh cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không sẽ khoá máy. Chị Ngô Xuyên ở Ba Đình, Hà Nội cho biết, trong tuần qua chị đã 2 lần nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người gọi xưng là người của Bộ TT&TT và thông báo số điện thoại của chị sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng nữa nếu không bấm phím 2 và khai báo thông tin để chuẩn hóa dữ liệu thuê bao.
Hình thức lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại” để thu thập thông tin của người dùng không mới, từng được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cảnh báo rộng rãi từ hồi tháng 9/2022.
Theo VNCERT/CC, sau khi người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng mạo danh, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện 1 số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi… Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Đáng chú ý là, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, khi Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao, hình thức lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại” lại rộ trở lại. Theo phản ánh từ các nhà mạng, càng gần đến thời điểm khóa 2 chiều với các thuê bao không chuẩn hóa thông tin (ngày 15/4), hình thức lừa đảo này càng gia tăng mạnh.
Không những thế, từ trải nghiệm thực tế khi nhận được cuộc gọi lừa đảo “khóa thông tin thuê bao”, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty công nghệ an ninh mạng NCS cho biết, gần đây các đối tượng lừa đảo đã biến tướng sang hình thức giả cuộc gọi chuẩn hoá thông tin để lừa thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, các đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm chuyên dụng như 1 dạng voice bot. Phần mềm này kết nối với modem có khả năng cắm nhiều SIM, từ đó thực hiện các cuộc gọi tự động đến máy của người dùng. Với cách này, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện được nhiều cuộc gọi hơn và không mất chi phí thuê nhân sự gọi điện.
“Khi người dùng nhấc máy, chúng sẽ phát các đoạn đã thu âm từ trước, doạ khóa thuê bao người dùng và yêu cầu cung cấp thông tin để chuẩn hoá, qua đó đánh cắp thông tin. Những thông tin này sẽ được các đối tượng thu thập để bán kiếm lời hoặc sử dụng xây dựng các kịch bản lừa đảo tiếp theo để chiếm đoạt tiền”, ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.
Để phòng tránh, các chuyên gia khuyến nghị người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ.
Nhằm hạn chế việc một số đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp thông báo (nhắn tin, gọi điện) đề nghị người sử dụng chuẩn hóa thông tin để thực hiện các hành vi mạo danh lừa đảo, quảng cáo vi phạm pháp luật, ngày 22/3, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cũng đã công bố các kênh chính thức về chuẩn hóa thông tin thuê bao của 7 nhà mạng. Cơ quan này cũng đề nghị người dân chỉ thực hiện theo thông báo cập nhật từ các kênh chính thức của nhà mạng cho mục đích nhắn tin, gọi điện đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao.