Để phục vụ cho thuê bao trong dịp Tết Nguyên đán này, các nhà mạng đã ứng dụng AI trong việc tối ưu chất lượng mạng khi thuê bao rời phố về quê và tại các điểm lễ hội.
Viettel ứng dụng AI tối ưu chất lượng mạng, mở cửa hàng xuyên Tết
Viettel cho biết, công tác chuẩn bị hạ tầng mạng lưới cho Tết Giáp Thìn được các đầu mối triển khai từ rất sớm để chủ động đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho Khách hàng vào dịp Tết, khi nhu cầu liên lạc tăng cao.
Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã hoàn thành triển khai 15.000 giải pháp để bổ sung tài nguyên, sẵn sàng đáp ứng 120% lưu lượng dự kiến. Nổi bật trong số đó là 700 trạm mới, 1.000 trạm nhỏ, 100 xe cơ động và hơn 13.000 giải pháp nâng cấp cấu hình cao cho trạm thu phát sóng.
Tết Nguyên Đán là dịp nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tăng đột biến. Theo ghi nhận từ hệ thống Viettel, những thay đổi về lưu lượng sử dụng cho thấy rõ xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ thoại sang data của người dùng.
Mặc dù lưu lượng cả 2 dịch vụ đều tăng so với ngày thường. Tuy nhiên so với cùng kỳ những năm trước, lưu lượng thoại đã giảm và lưu lượng data tăng mạnh.
Như thường lệ vào dịp cuối năm, hệ thống của Viettel đều ghi nhận sự chuyển dịch vị trí của lượng lớn thuê bao trên mạng lưới. Trong đợt Tết Nguyên đán 2023 Viettel ghi nhận có 22 triệu lượt thuê bao di chuyển tương đương với khoảng 15 triệu người dùng di động có hành vi di chuyển đường dài.
Năm nay, ước tính có khoảng 22,5 triệu lượt thuê bao di chuyển. Chỉ tính đến hết ngày 27 tháng 12 âm lịch, Viettel đã ghi nhận tổng cộng 11 lượt triệu thuê bao tương đương gần 8 triệu khách hàng di chuyển.
Dự kiến ngày 28 tết sẽ ghi nhận 3 triệu lượt thuê bao di chuyển tăng gấp 3,5 lần so với ngày thường. Đây là ngày cao điểm nhất trong đợt nghỉ tết năm nay. Trong đó, 5 tỉnh ghi nhận thuê bao di chuyển nhiều nhất là An Giang, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá. Số lượng thuê bao di chuyển về các tỉnh này chiếm khoảng 25%-40% thuê bao tại tỉnh trong ngày thường.
Để đảm bảo trải nghiệm khách hàng tốt nhất, cũng như giải quyết được bài toán thuê bao dịch chuyển và tập trung đông tại các điểm lễ hội, Viettel đã chủ động bổ sung khoảng 1.500 giải pháp/tỉnh để bổ sung tài nguyên.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán này, Viettel đã ứng dụng AI trong việc tối ưu chất lượng mạng. Cụ thể, ứng dụng XO do chính các kỹ sư Viettel Networks phát triển có khả năng tự động tối ưu vùng phủ, tự động đưa ra cảnh báo, giải pháp và thực hiện hành động để đảm bảo vùng phủ tốt nhất.
Ứng dụng XO đặc biệt hữu ích trong dịp Tết Nguyên đán, kịp thời tinh chỉnh vùng phủ khi thuê bao di chuyển trên toàn bộ mạng lưới, điều mà không thể thực hiện bằng sức người.
Qua ghi nhận thực tế tại các vị trí áp dụng XO, vùng phủ tại mỗi trạm cải thiện 10%, tốc độ cải thiện 5% và các KPI cải thiện 10% so với trước kia. Bên cạnh đó, gần 100 trạm 5G được triển khai tại các lễ hội sự kiện để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Song song với việc chuẩn bị hạ tầng mạng lưới, hệ thống cửa hàng của Viettel trên toàn quốc sẽ mở cửa xuyên Tết phục vụ khách hàng khi có nhu cầu phát sinh.
VNPT, MobiFone ứng dụng AI và tăng cường phủ sóng 5G
Chia sẻ với VietNamNet chiều ngày 29 Tết, ông Đặng Anh Sơn, Tổng giám đốc VNPT Net cho hay, cũng như mọi năm trước, dịp Tết Nguyên đán số thuê bao sẽ dịch chuyển mạnh từ các đô thị về các địa phương. Vì vậy, trước đó VNPT đã chuẩn bị phương án mạng lưới phục cho các thuê bao này.
“Năm nay, chúng tôi ứng dụng AI để tối ưu hóa mạng lưới phục vụ khách hàng tốt hơn. Chúng tôi ứng dụng công nghệ để dự báo được các trạm thu phát sóng sẽ có lưu lượng tăng đột biến để có biện pháp xử lý trước đó”, ông Đặng Anh Sơn nói.
Đại diện MobiFone cho biết đã chuẩn bị phương án để có thể phục vụ lượng khách hàng dịch chuyển từ phố về quê trong dịp Tết Nguyên đán.
Từ năm 2023, MobiFone đã thực hiện tối ưu và tự động hóa trong công tác vận hành khai thác mạng lưới sử dụng công nghệ máy học và AI. Chiến lược này nằm trong chuỗi hành động của MobiFone để thực hiện các cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số, bảo mật dữ liệu tốt hơn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng được cải thiện. Các thiết bị mạng đều đảm bảo tải xử lý mức ngưỡng hoạt động an toàn.
Tại các khu vực trọng điểm diễn ra các lễ hội và tập trung đông người, MobiFone đã thực hiện khảo sát, hoàn thành các công tác triển khai đo kiểm, đánh giá chất lượng vùng phủ sóng, lắp đặt bổ sung các trạm phát lưu động, tăng cường vùng phủ sóng, mở rộng tài nguyên cho các trạm 4G để đảm bảo nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Các thiết bị trên mạng lưới MobiFone đều đã được kiểm tra đảm bảo cấu hình dự phòng cao để không xảy ra sự cố mạng, dung lượng mạng và các hướng truyền dẫn trong nước, quốc tế, sẵn sàng cho nhu cầu sử dụng của khách hàng tăng cao so với ngày thường.
Trong năm 2024, MobiFone bắt đầu hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng khác với giải pháp chia sẻ hạ tầng tích cực cho mạng 4G/5G (Active Sharing), đây là giải pháp lần đầu triển khai thực hiện thành công tại Việt Nam giúp cho MobiFone nhanh chóng phủ sóng mạng 5G trên cả nước sau khi nhận được giấy phép triển khai.
Hiện tại với giải pháp này giúp MobiFone có vùng phủ sóng 5G tại các khu vực mà MobiFone trực tiếp đầu tư triển khai và tại cả các khu vực có sóng 5G của nhà mạng khác mà MobiFone có hợp tác triển khai để có vùng phủ cung cấp dịch vụ 5G rộng khắp cả nước cho khách hàng của MobiFone.
Dịp Tết Nguyên đán 2024 dự kiến có gần 1.000 lễ hội sự kiện trên toàn quốc, với khoảng 12 triệu thuê bao tập trung. Đặc biệt, với 400 điểm bắn pháo hoa, tăng gần 20% so với năm 2023, có hàng chục vị trí dự kiến sẽ tập trung hơn 100.000 người như bắn pháo hoa Hồ Hoàn Kiếm, bắn pháo hoa Hầm Thủ Thiêm, bắn pháo hoa thành phố Sóc Trăng, bắn pháo hoa thành phố Hồng Ngự Đồng Tháp, các chùa lớn như Yên Tử, Bái Đính,… Đây sẽ là thách thức rất lớn cho đội ngũ kỹ thuật của các nhà mạng.
Riêng sự kiện trình diễn Drone tại Hồ Tây, với diện tích biểu diễn lên đến 4,5ha và lượng người xem dự kiến hơn 100.000 người xung quanh Hồ Tây, Viettel đã bổ sung tài nguyên gấp 10 lần so với ngày thường.