Trong cuộc trò chuyện với Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Nam Khai và Cựu Tổng biên tập Nhật báo Khoa học và Công nghệ, ông Nhậm Chính Phi nhiều lần bày tỏ quan điểm cá nhân về giáo dục.
Khi được hỏi: "Làm thế nào để cải thiện hệ thống giáo dục Trung Quốc hiện nay càng sớm càng tốt?”, ông Nhậm Chính Phi cho rằng: "Đất nước muốn phát triển bền vững, phải chú trọng giải quyết các vấn đề giáo dục. Xã hội ổn định, đất nước mới phát triển, cụ thể là nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số".
"Nếu thế hệ này được giáo dục tốt, các thế hệ sau cũng như vậy. Kéo theo đó, các vấn đề xã hội ở khu vực dân tộc thiểu số cũng được giải quyết triệt để”, ông Nhậm Chính Phi nói.
Trên thực tế, những năm qua, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường đầu tư vào giáo dục nông thôn. Tuy nhiên, trẻ em ở đây vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, vấn đề chú trọng đến giáo dục nông thôn ở đất nước này vẫn là bài toán lớn được đặt ra.
Lấy quan điểm "giáo dục linh hoạt" - dạy theo khả năng và trình độ người học của Khổng Tử làm cốt lõi, ông cho rằng Trung Quốc cần đầu tư và bồi dưỡng nhiều hơn cho nhân tài đất nước. "Các trường tiểu học và THCS hiện nay, đang đồng loạt chuyển dịch. Điều này, vô tình vùi đi nhiều người tài", ông nói.
Đề cập đến vấn đề học tiếng Anh, ông Nhậm Chính Phi gay gắt phản đối suy nghĩ: "Không thể học, nếu không đủ năng khiếu". Nhà sáng lập của Huawei cho rằng: "Nếu không học tiếng Anh, trẻ em nông thôn vẫn mãi là nông dân. Chúng không thể vươn ra thế giới để làm việc".
Ngoài ra, ông còn cho rằng nếu không giỏi Toán và tiếng Anh, sẽ không thể gia nhập các ngành nghề cao cấp. Điều này, dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt trong xã hội.
Đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục, ông tin rằng chỉ cần được dạy dỗ phù hợp đứa trẻ nào cũng có thể phát huy tiềm năng của bản thân.
"Tôi hiểu việc học tiếng Anh ở vùng nông thôn khó khăn. Nhưng chỉ cần cố gắng, các bạn đều có thể vượt qua tất cả. Ít nhất, nếu không đủ khả năng diễn đạt trôi chảy, vẫn có thể đọc được chữ và hiểu nghĩa", ông nói.
Đưa ra giải pháp để trẻ em nông thôn nâng cao trình độ tiếng Anh, ông cho rằng cần xây dựng mạng lưới Internet ổn định, để chúng được tiếp cận với nền giáo dục trực tuyến chất lượng cao.
Quan điểm gây nhiều tranh cãi
Xoay quanh quan điểm: "Nếu không học tiếng Anh, trẻ em nông thôn vẫn mãi là nông dân" có nhiều ý kiến trái điều đưa ra. Một bộ phận cho rằng, câu nói của ông Nhậm Chính Phi cần phải hiểu theo nghĩa rộng.
"Nông dân" ở đây đề cập đến việc, nếu không học tiếng Anh sẽ không thể bắt kịp sự phát triển của văn minh nhân loại ngày này. Học tiếng Anh là cách để họ hội nhập và giao lưu với thế giới. Người đứng đầu Tập đoàn Huawei cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nếu không học sẽ mất nhiều cơ hội trong tương lai.
"Theo tôi hiểu, ông Nhậm Chính Phi đang muốn nói phương Tây tiến bộ hơn Trung Quốc về nhiều mặt và đã đi được một chặng đường dài. Những nước phát triển hơn chúng ta đều đáng để học hỏi. Đừng kiêu ngạo và tự mãn, nếu không chúng ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ hơn. Khi đó, chúng ta vẫn mãi là người nông dân", một người bình luận.
Người khác lại cho rằng, suy cho cùng câu nói này xuất phát từ việc ông mong muốn xóa bỏ khoảng cách về cơ hội học tập, việc làm trong tương lai giữa trẻ em thành thị và nông thôn.
"Nếu chúng ta thường cho rằng đọc sách có thể thay đổi vận mệnh, học tiếng Anh lại được ví như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội cho bản thân", người khác nhấn mạnh.
Có người lại cho rằng, sự phát triển của trẻ em nông thôn không chỉ phụ thuộc vào việc học tiếng Anh, mà còn cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính phủ.
"Học tiếng Anh không phải là lối thoát duy nhất cho trẻ em nông thôn. Chúng có thể nhận ra giá trị của bản thân bằng cách học các kỹ năng và chuyên ngành khác", một người bình luận. Có người lại cho rằng, quan điểm của ông Nhậm Chính Phi tác động tiêu cực đến trẻ em nông thôn.
Đáp lại những ý kiến trái chiều, ông khẳng định tầm quan trọng của các kỹ năng nói chung. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học tiếng Anh là điều cần thiết, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn.
Bản thân là một doanh nhân thành đạt sinh ra ở vùng nông thôn, ông nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà trẻ em ở đây phải đối mặt. Ông cho biết, thành tựu ngày nay đạt được là do sự chăm chỉ học tiếng Anh từ nhỏ. Điều này, đã giúp ông bước ra cánh cửa thế giới bên ngoài.
Sau chia sẻ của bản thân, ông cũng hy vọng trẻ em nông thôn sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh để có thêm cơ hội trong tương lai.