Tác giả vô danh gây bão nước Mỹ

Khi tác phẩm Bảy chuyện kể Gothic được đưa vào danh sách lựa chọn của câu lạc bộ Book of the month (Sách của tháng) tháng 4/1934, không ai biết tác giả là ai vì cái tên rất mới. Vậy mà cái tên mơ hồ ấy đã trở thành một cá tính văn chương lộng lẫy và sinh động, để rồi được đón nhận tại quê nhà Đan Mạch và gây bão ở Mỹ.

Đó là nhà văn với bút danh Isak Dinesen. Hình ảnh của bà được in trên tờ 50 Krone của Đan Mạch, là một người phụ nữ ở tuổi chừng 60 mang gương mặt quý phái, ánh mắt tinh anh, đội chiếc mũ rộng vành và cổ áo lông thú.

z5488409816356_440c37f6151084820e9453483a0b664a.jpg
Hình ảnh của nhà văn Isak Dinesen được in trên tờ 50 Krone của Đan Mạch.

Bảy chuyện kể Gothic được nhà văn Isak Dinesen viết lúc 49 tuổi. Khi đó, bà đã có một cuộc đời giàu trải nghiệm. Dinesen từng nhiều lần chia sẻ, nếu không mất đi đồn điền tại châu Phi, chắc hẳn bà sẽ không trở thành nhà văn. Dẫu đã đăng đàn một số chuyện kể trên tạp chí Đan Mạch với bút danh Osceola, song Bảy chuyện kể Gothic mới thực sự ghi dấu ấn cho sự khởi đầu văn nghiệp của Isak Dinesen.  

Một phần lý do Dinesen viết Bảy chuyện kể Gothic ban đầu bằng tiếng Anh vì thương mại. Bởi thị trường sách tiếng Anh lớn hơn nhiều so với tiếng Đan Mạch. Dinesen cũng nói rằng, bà chọn tiếng Anh bởi thấy thoải mái thể hiện mình bằng ngôn ngữ đó hơn sau 17 năm sống tại Kenya.

Thêm nữa, Dinesen cảm thấy cộng đồng người Anh sẽ đồng cảm với các chuyện kể của bà. Theo quan điểm của bà, các quốc gia nói tiếng Anh sở hữu truyền thống văn học kỳ ảo mạnh mẽ hơn Đan Mạch. Bà ví dụ, tại Anh, Alice ở xứ sở diệu kỳ của Lewis Carroll và Lady into Fox (Người đàn bà hóa cáo) của David Garnett là điển hình về văn chương kỳ ảo.

Dinesen sau đó cũng quyết định xuất bản tác phẩm Bảy chuyện kể Gothic bằng tiếng Đan Mạch. Bà tự chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng của quê hương sau khi đã tham khảo một vài bản dịch thử.

Bản tiếng Đan Mạch, nói chính xác, không hẳn là bản dịch, bởi Dinesen cho phép mình “cải biên” một vài chuyện, nhiều thay đổi trong tiểu tiết, đôi chỗ khác biệt đáng kể. 

Tác giả sử dụng hình thức chuyện kể lồng chuyện kể. Các câu chuyện trong Bảy chuyện kể Gothic được đặt vào một quá khứ không có niên đại, chỉ biết là nằm ngoài tầm với, vượt ngoài trí nhớ của những con người còn đang sống. Những chuyện kể phức tạp, thường chứa đựng hai, ba cốt truyện phụ. Xen kẽ giữa chuyện kể dày đặc tình tiết là nhiều bình luận bên lề rất thú vị.

sach1.jpg
"Bảy chuyện kể Gothic" được viết theo lối chuyện kể lồng chuyện kể.

Bản thảo "Bảy chuyện kể Gothic" từng bị từ chối nhiều lần

Đối với bạn đọc Việt Nam, hầu hết mới chỉ biết đến bà kể từ năm 2020 qua tác phẩm Châu phi nghìn trùng. Bản dịch ngọt ngào của Hà Thế Giang, gây tiếng vang với độc giả và được giới phê bình công nhận bằng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 ở hạng mục Văn học dịch

Trước khi được đón nhận tại quê nhà Đan Mạch và gây bão tại Mỹ, bản thảo Bảy chuyện kể Gothic từng bị vài nhà xuất bản tại Anh trả về với lý do "không bán được, tác giả vô danh, nội dung truyện kỳ quặc và không hợp thời". Sau đó, Harrison Smith & Robert Haas - một nhà xuất bản nhỏ tại Mỹ đã nhận xuất bản với điều kiện: Tiểu thuyết gia nổi tiếng Dorothy Canfield Fisher phải viết lời giới thiệu, tác giả không nhận được một đồng tạm ứng nào.

Isak Dinesen đã chơi một canh bạc, chấp nhận lời đề nghị. Ngược lại, tác giả đưa ra điều kiện: Sẽ sử dụng bút danh Isak Dinesen. Theo bà, Dinesen là họ thời con gái, Isak là phiên bản tiếng Đan Mạch của tên Isaac (có nghĩa là tràng cười). Cái tên mang hàm ý về đứa con sinh sau đẻ muộn, không được mong đợi.

Nhà xuất bản đã cố gắng thuyết phục bà sử dụng tên thật nhưng vô ích. Và bà đã thắng, gây ngạc nhiên cho tất cả khi Bảy chuyện kể Gothic đã được lựa chọn giới thiệu từ câu lạc bộ Book of the month (Sách của tháng), bảo chứng cho việc được công chúng biết đến rộng rãi và sách bán ra với số lượng lớn. Bà trở thành người nổi tiếng tại bất cứ nơi đâu mình đặt chân đến.

Năm 1957 bà vào tới Top 4 Nobel Văn chương. Đặc biệt năm 1959, Isak Dinesen đã là sự lựa chọn hàng đầu cho giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên do có ý kiến phản bác trong hội đồng rằng đã có nhiều nhà văn đến từ vùng Scandinavia đoạt giải rồi, vinh dự đó được dành cho nhà văn Ý Salvatore Quasimodo.

Năm 1961, tên bà xếp thứ ba chung cuộc, trong khi người xếp thứ nhất là nhà văn Nam Tư Ivo Andrić. Năm 1962, bà lại có mặt trong danh sách đề cử. Nhưng vì qua đời vào tháng 9 năm đó nên bà không bao giờ còn cơ hội giành được vinh dự này.

Ông Peter Englund, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điện từng thú nhận đó là “một sai lầm” khi đã không trao giải thưởng Nobel Văn học cho Isak Dinesen vào những thập niên ấy.

sach3.jpg
Cuốn sách "Bảy chuyện kể Gothic" do Nguyễn Tuấn Bình dịch.

Trong những năm cuối đời rơi vào tình trạng suy kiệt thể chất, Isak Dinesen thực hiện chuyến thăm tới nước Mỹ, nơi tên tuổi của bà vang xa. Về sau, bà còn trở thành một nhân vật trên màn ảnh qua vai diễn của Meryl Streep trong phim Châu phi nghìn trùng, chuyển thể từ chính hồi ký cùng tên của bà. Bộ phim ra mắt năm 1985 và đã giành tới 7 giải thưởng Oscar.

Sau khi mất năm 1962, người đàn bà mang nhiều cái tên mà thế giới biết tới chỉ là Isak Dinesen - trở thành nhân vật cho nhiều cuốn tiểu sử.

Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình