Nền tảng cho 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng
Chiều ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị còn có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.
Hội nghị nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp cho Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đặc biệt là các giải pháp, cách làm để Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu mục tiêu đào tạo từ 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ đây là ngành nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi thông minh.
Ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). Trong bối cảnh hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
“Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.
Từ góc độ của đơn vị được Chính phủ giao xây dựng đề án, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Trong những cuộc làm việc cấp cao vừa qua, phía Hoa Kỳ đều nhấn mạnh, để nắm bắt và hiện thực hoá được cơ hội này, Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi, trong đó có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Với đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đang xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, bên cạnh việc đào tạo khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế, đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn ở tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Cùng với đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh: “Để triển khai Đề án hiệu quả, cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ của quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước”.
Tháp nhân lực sẽ là nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam
Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra một số tư tưởng chính về ngành bán dẫn của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, cần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam một cách hoàn chỉnh nhưng phải có lộ trình, chia làm 3 giai đoạn: Từ nay đến năm 2030, giai đoạn 2030 - 2040 và giai đoạn 2040 - 2050. Trong lộ trình gần 30 năm này, công nghiệp bán dẫn Việt Nam không chỉ làm một số công đoạn mà sẽ tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn và Việt Nam là thị trường chủ lực.
Phát triển công nghiệp bán dẫn đi cùng phát triển công nghiệp chủ lực và công nghiệp chuyển đổi số. Chip bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, ai làm chủ thị trường thiết bị điện tử thì mới thực sự làm chủ công nghiệp bán dẫn.
“Tất cả quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thành công về ngành công nghiệp bán dẫn đều có ngành công nghiệp điện tử phát triển. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bất kỳ quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử và gần đây còn có khái niệm về ngành công nghiệp chuyển đổi số. Nếu chúng ta chỉ làm chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc vào đầu ra, phụ thuộc vào người mua, chính là các doanh nghiệp thiết bị điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Một tư tưởng chính nữa, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, trước mắt xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030. Từ tháp nhân lực này tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Tháp nhân lực sẽ như nam châm thu hút nghiên cứu, sản xuất về Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khả năng đáp ứng các nhu cầu về nhân lực chủ yếu là đi vào đào tạo lại và đào tạo trực tiếp trong ngắn hạn. Các nước khác muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải đào tạo trong khoảng 2 năm, nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3 - 6 tháng hoặc 12 tháng.
“Nhân lực cũng được xác định là “lõi” để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Phải có thỏa thuận quốc gia cung cấp nguồn nhân lực mới bảo đảm thành công đề án nhân lực. Đào tạo nhân lực cũng phải dựa trên tín hiệu thị trường, đặc biệt có các thỏa thuận doanh nghiệp và thỏa thuận của các quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hai tư tưởng chính khác trong phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam cũng được người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ là sự kết hợp giữa FDI với tự cường cùng việc xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp bán dẫn.
Cần những chính sách đột phá, vượt trội về đào tạo nhân lực bán dẫn
Tại hội nghị ngày 24/4, đơn vị chủ trì xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn cũng đã nhận được các đề xuất, hiến kế của lãnh đạo các trường đại học lớn là Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và quốc tế.
PGS. TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM bày tỏ mong muốn đề án có được những cơ chế chính sách vượt trội để trường có thể tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn.
“Cơ chế dùng chung phải có tính chất vượt trội. Giả sử Đại học quốc gia TPHCM là chủ đầu tư phòng thí nghiệm đó và các trường đại học trong khu vực TP.HCM tham gia sử dụng chung. Thế thì nguồn vốn cho phòng thí nghiệm đó đến từ đâu? Cơ chế tài chính, cơ chế chia sẻ nguồn lực dùng chung như thế nào?”, ông Quân nêu dẫn chứng.
Từ thực tế đào tạo của trường mình, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng lưu ý đề án về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cần đề cập đến nội dung đào tạo bằng tiếng Anh, bởi đây là điều rất quan trọng. Bên cạnh việc điểm ra một số nội dung quan trọng khác, ông Huỳnh Quyết Thắng cũng nhấn mạnh yếu tố thị trường: “Chúng ta có tạo được thị trường của các doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu của các kỹ sư bán dẫn hay không? Muốn có thị trường đó, cần có sự chung sức của các doanh nghiệp, các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao”.
Ở góc độ của công ty toàn cầu, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam cho hay, trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi một công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau. Vì thế, dù có một chiến lược chung để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, vẫn cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực cần phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.
Đồng quan điểm, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, có 2 vấn đề cần quan tâm về nhân lực ngành bán dẫn, đó là cơ hội gì và thời hạn nào? Thế giới sẽ không chờ chúng ta nên vấn đề thời hạn rất quan trọng.
“Chúng ta phải đột phá về thể chế, trong thời gian tầm 18 tháng, phải thể hiện được Việt Nam không phải chỉ có cơ hội mà còn cam kết”, ông Trương Gia Bình đề xuất.