Một bản kiến nghị từ nhóm vận động của nhân viên Amazon viết: “Người lao động cần có tiếng nói trong những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta”. Amazon cho biết ước tính 300 nhân viên đã tham gia, song ban tổ chức lại thông tin có 2.000 người biểu tình.
Hoạt động này của nhân viên Amazon diễn ra sau hàng loạt vụ sa thải thời gian gần đây. Đầu tháng 1, Amazon thông báo kế hoạch sa thải hơn 18.000 nhân sự. Tổng cộng, “gã khổng lồ” thương mại điện tử đã cho 27.000 người thôi việc từ mùa thu năm ngoái.
Tháng này, công ty bắt buộc nhân viên khối văn phòng quay lại làm việc ít nhất 3 ngày một tuần. Bản kiến nghị dẫn chính sách quay lại văn phòng và tác động đến khí hậu của Amazon làm bằng chứng cho thấy ban lãnh đạo “đang dẫn chúng ta đi sai hướng”.
Tính đến chiều ngày 31/5, 1.922 nhân viên Amazon đã ký tên vào bản kiến nghị. Hiện tại, công ty tuyển dụng hơn 1,5 triệu lao động trên toàn cầu, theo báo cáo thường niên vừa được công bố tuần trước.
Trong tuyên bố gửi ABC News, người phát ngôn Brad Glasser bảo vệ quyết định yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng của Amazon. Ông cho rằng điều này đã mang đến nhiều năng lượng, phối hợp và kết nối hơn. Ông thừa nhận cần có thời gian điều chỉnh sau một khoảng thời gian làm việc từ xa nhưng các bộ phận đang nỗ lực để sự chuyển giao mượt mà nhất có thể.
Đối với lo ngại về ảnh hưởng đến khí hậu, Glasser nói sẽ tiếp tục thúc đẩy để đạt carbon zero vào năm 2040.
Doanh số tại các hãng công nghệ hàng đầu thế giới đã sụt giảm so với thời kỳ Covid-19, khi hàng tỷ người trên thế giới học tập và làm việc ở nhà, phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng, kết nối ảo. Dù vậy, nhiều cổ phiếu đã bật tăng vài tháng qua do lạc quan vào tiềm năng của AI. Cổ phiếu Amazon tăng gần 30% từ ngày 1/3.
Cuộc biểu tình vừa diễn ra kêu gọi thay đổi trong chính sách, cải thiện điều kiện của nhân viên toàn công ty. Mục tiêu của họ là thay đổi phân tích về lợi ích/chi phí của Amazon khi ra các quyết định có ảnh hưởng lớn đến nhân viên da màu, phụ nữ, LGBTQ, khuyết tật và nhóm yếu thế khác.
(Theo ABC News)