Đại dịch gây hậu quả nặng nề, kéo dài, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện, gia tăng mức độ đối đầu, xu hướng tập hợp lực lượng, phân tuyến, phân cực ngày càng rõ nét. Xung đột Nga - Ukraina kéo dài, gây đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng, đồng thời làm sâu sắc, phức tạp thêm xu hướng cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế cũng như các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Từ đó, ảnh hưởng sâu đến các quốc qua, đặc biệt là các nước đang phát triển, có độ mở lớn về kinh tế, trong đó có Việt Nam và rất khó để ứng phó kịp thời. Điều này đã tạo áp lực rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, chúng ta vừa có được nhiều kinh nghiệm về: năng lực và khả năng kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, giúp đất nước trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế, nâng cao khả năng điều hành, ứng phó với những biến động của thế giới, khu vực.
Nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi. Các hoạt động kinh tế, xã hội chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Chúng ta đang tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, hướng đến thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển của Kế hoạch 5 năm.
Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt 8.479,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 366,1 tỷ USD); ước tính năm 2022 đạt 9.513,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 408,7 tỷ USD); ước tính năm 2023 đạt 10.286,8 – 10.384,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 435,4 - 439,5 tỷ USD).
Tăng trưởng kinh tế khá tích cực trong bối cảnh, tình hình đầy khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm. Năm 2022 tăng 8,02% là điểm sáng trong bức tranh xám màu theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế gặp thách thức lớn trước “tác động kép” của tình hình thế giới và trong nước nhưng đã chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước.
Sau gần 40 năm Đổi mới, từ xuất phát điểm là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Từ 2002 đến 2022, GDP đầu người tăng 2,78 lần, đạt trên 4.110 USD năm 2022, với hơn 45 triệu người thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá).
Do đó, để đạt được các mục tiêu về phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh bình thường mới của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, việc huy động các nguồn lực cho xây dựng mô hình tăng trưởng xanh để sự thịnh vượng về kinh tế cần hài hòa với bảo vệ môi trường, năng lực chống chịu hiệu quả với biến đổi khí hậu và các cú sốc từ bên ngoài.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao và tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quyết sách kịp thời của Quốc hội cũng như sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân.
Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng và ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhờ sự triển khai quyết liệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức. Đó là nền tảng để tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.