Sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 43 của Quốc hội..
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 43 có quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho đầu tư công thuộc chương trình này và một số nhiệm vụ chi vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, thời gian sử dụng chủ yếu trong hai năm 2022 và 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, số vốn cho từng nhiệm vụ y tế (14 nghìn tỷ đồng), an sinh xã hội, lao động và việc làm (8,15 nghìn tỷ đồng), hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (40 nghìn tỷ đồng), cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển tối đa 300 tỷ đồng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113,55 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng mức vốn hơn 149.201 tỷ đồng cho 113 nhiệm vụ, dự án để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án...
Chính phủ đề nghị các đơn vị phải hoàn thành thủ tục đầu tư dự án chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, không bao gồm dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với danh mục nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý, Thủ tướng thông báo vốn cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 149.201 tỷ đồng, bằng 84,77% so với số Quốc hội cho phép (tối đa là 176 nghìn tỷ đồng). Số còn lại chưa thông báo khoảng 26,8 nghìn tỷ đồng (trong đó có 14 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, 11,8 nghìn tỷ đồng cho 4 dự án đường cao tốc).
Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Thủ tướng cần khẩn trương thông báo hết số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đề nghị, Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Đối với 3 dự án đường cao tốc (Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.
Qua thảo luận, xem xét của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 43 đã được kỳ họp bất thường của Quốc hội ban hành ngay từ đầu năm 2022 nhưng đến nay (sau gần 5 tháng) Chính phủ vẫn chưa có danh mục cụ thể các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Sự chậm trễ này phần nào làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai quyết liệt hơn.
Nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ khẩn trương xử lý số vốn còn lại cho lĩnh vực hạ tầng và các dự án khác để các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có căn cứ thực hiện. Các địa phương cũng cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Chính phủ, Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỷ đồng trong tổng số gói 176 nghìn tỷ đồng thuộc Nghị quyết 43 của Quốc hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 này.
Trong đó, có 3.800 tỷ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; hơn 2.320 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và 3.500 tỷ đồng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai 1.
Trần Thường - Ảnh: Quốc hội