XEM VIDEO:

Quốc hội sáng nay (30/5) nghe Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Sau đó Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội.

Theo đoàn giám sát, Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng.

Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng ĐBSCL và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng (đã giải ngân 19,67%); của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng (đã giải ngân 36,72%).

7 địa phương chưa phê duyệt dự toán lập kinh phí quy hoạch là Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Định, TP.HCM, Đồng Nai, Long An. Lý do là địa phương này chưa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hoặc được tài trợ sản phẩm quy hoạch nên chưa có số liệu về kinh phí lập quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của đoàn giám sát trước Quốc hội.

Việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao...

Những điều này ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch; một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập như: Quy hoạch vùng ĐBSCL chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP.HCM và vùng miền Đông Nam bộ; 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải và các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện.

Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ "ách tắc"

Nguyên nhân được chỉ ra, Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với sự phối hợp đa ngành; việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành... Dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Nguyên nhân chủ quan, Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mới nên cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan phối hợp chưa lường được hết tác động, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dẫn đến có quy định còn bất cập, chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu khác nhau.

Các văn bản luật về quy hoạch còn có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm, chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, thống nhất.

Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch chưa phù hợp với hoạt động quy hoạch, chưa đầy đủ hoặc chậm được ban hành.

Các quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 được điều chỉnh cục bộ theo quy định của pháp luật cũ, tuy nhiên quy trình, thủ tục của việc điều chỉnh này chưa chặt chẽ, làm phát sinh những hạn chế, bất cập ở một số ngành, lĩnh vực như điện, khai thác khoáng sản, giao thông.

Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành. Rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm.

Bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch...

Trần Thường

Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết gỡ vướng quy hoạch

Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết gỡ vướng quy hoạch

Chính phủ thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới đây theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch.
Quy hoạch của Hà Nội còn khá bộn bề, TP.HCM nợ quy hoạch Thủ Đức

Quy hoạch của Hà Nội còn khá bộn bề, TP.HCM nợ quy hoạch Thủ Đức

Buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, quy hoạch của Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều chậm so với tiến độ được giao.

Chủ tịch Quốc hội: Quy hoạch đất đai phải gắn với sự trường tồn của đất nước

Chủ tịch Quốc hội: Quy hoạch đất đai phải gắn với sự trường tồn của đất nước

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong quy hoạch sử dụng đất phải bổ sung vai trò của đất đai với sự phát triển trường tồn của đất nước, hài hòa lợi ích của các bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch phải đi trước một bước

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch phải đi trước một bước

Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từng ngành, địa phương. Phải coi đây nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong năm 2021 các năm tới.