Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay việc quét mã QR để thanh toán đang trở nên rất phổ biến. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản, người dùng chỉ cần quét mã QR là thông tin tự động được điền, giúp cho việc thanh toán trở nên nhanh chóng, thuận tiện.
Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện dán QR giả mạo tại mặt ngoài một số quầy thanh toán viện phí của Bệnh viện Nhi trung ương để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc này có thể dẫn đến người nhà người bệnh chuyển nhầm tiền thanh toán viện phí vào tài khoản của các đối tượng xấu.
Ngay sau khi phát hiện, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhanh chóng gỡ bỏ các mã QR lừa đảo trái phép này, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người nhà bệnh nhân thực hiện đúng các quy định về thanh toán viện phí. Bệnh viện cũng phối hợp và báo cáo cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý kịp thời.
Qua đây, Bệnh viện khuyến cáo, các gia đình khi đưa con đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện cần cảnh giác với các mã QR lừa đảo được dán bên ngoài các quầy thanh toán và không quét mã khi chưa có sự hướng dẫn của nhân viên Bệnh viện.
Cũng về hình thức lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng cách sử dụng công nghệ, Viện Kiểm soát nhân dân huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng của người dân.
Theo đó, đối tượng đã mở văn phòng và thuê nhiều người làm việc bằng hình thức giả danh bác sĩ, nhân viên Bệnh viện 108 và Bệnh viện 103 để lừa đảo bán cho những người bệnh các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng qua mạng Internet.
Để bán được các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng, đối tượng chia thành các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động như nhau. Các nhóm kinh doanh tạo lập các trang Fanpage giả mạo Bệnh viện Quân đội 108- Chuyên khoa nội tiết” hoặc Bệnh viện quân y 103 trên mạng xã hội Facebook để đăng tải nội dung, hình ảnh có liên quan đến các bệnh viện trên.
Người bệnh khi truy cập vào các fanpage trên sẽ lầm tưởng đây là fanpage chính thống của Bệnh viện 108 và Bệnh viện 103 rồi để lại thông tin họ tên, số điện thoại.
Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện và tự xưng là bác sỹ của Bệnh viện 108 hoặc Bệnh viện 103 để tư vấn, mời chào mua các liệu trình thuốc điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp được các đối tượng đưa thông tin sai sự thật là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do Bệnh viện 108, Bệnh viện 103 điều chế, sản xuất để bán với giá cao hơn nhiều lần nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính.
Bằng phương thức, thủ đoạn kể trên, trong thời gian từ tháng 6/2022 đến nay, nhóm tội phạm đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tổng số tiền khoảng gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 người trên toàn quốc, trong đó có nhiều bị hại trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Nhằm ngăn chặn các hành vi mạo danh, lừa đảo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác.
Bệnh viện khẳng định không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online). Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện. Bệnh viện cũng chưa triển khai khám, điều trị tại nhà.
Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 (TP. HCM) cũng đã lên tiếng cảnh báo việc bệnh viện lại bị mạo danh để lừa đảo, trục lợi. Nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo, thu hút bệnh nhân.
Đại diện Bệnh viện cho biết, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Một loạt trang Fanpage giả mạo ra đời đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang Fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, một số trang Facebook giả mạo còn lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.
Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu của các bệnh viện lớn để lừa đảo, trục lợi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ; đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang”.
Để ngăn chặn hành vi mạo danh, lừa đảo, các bệnh viện thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng.
Tuy nhiên, để đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng, người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa và chọn lọc thông tin chính xác. Khi có nhu cầu khám chữa bệnh và tư vấn, người dân có thể nhắn tin trực tiếp đến cổng thông tin chính thức của bệnh viện (có tích xanh xác nhận của Facebook hoặc gọi cho số điện thoại hotline của bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ.
Theo Báo Đầu tư