Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, người từ 65 tuổi trở lên có xu hướng sử dụng smartphone, máy tính bảng để đọc báo, chơi game, liên lạc với bạn bè và mua sắm trực tuyến. Do đó, người cao tuổi đang trở thành mục tiêu mới của các đối tượng lừa đảo.
Mất tiền vì ngỡ...trúng thưởng thật
Bà Nguyễn Thị T, 65 tuổi sống cùng người chồng ở Thanh Hóa. Công việc của ông bà chỉ quanh quẩn vườn tược và chăm sóc đàn gà 20 con, vừa là nguồn cung cấp thực phẩm, vừa để bán có thêm thu nhập. Ác mộng xảy ra khi cách đây mấy năm bà T nhận được một cuộc gọi.
"Họ gọi tôi đã trúng thưởng nhiều thứ. Mai họ sẽ về đến xã trao quà" - bà T nhớ lại cuộc gọi buổi trưa một ngày hè oi ả.
Bà đã rất tin vào cậu thanh niên giọng Hà Nội dễ nghe luôn gọi bà là “bác” xưng “con” và đọc vanh vách họ tên, địa chỉ làng xã của bà T. "Họ nói phải mất tiền cước để chuyển đồ về. Lúc đó chẳng nghi ngờ gì, tôi đi vay tiền nạp hết 500 nghìn tiền điện thoại".
Cứ nghĩ đây là món quà mà Thượng đế bất ngờ gửi đến, bà T không nói với ai, âm thầm hành động theo lời yêu cầu của người lạ qua điện thoại. Người này liên tục giục mua thêm thẻ điện thoại, 500 nghìn rồi 1 triệu đồng. Người cháu họ thấy bà vay nhiều tiền mua thẻ trong một buổi chiều nên đã sinh nghi. Đến lúc này bà mới biết mình đã bị lừa.
"Tôi nói nhà quê không còn tiền nữa, không chuyển thì thôi" - bà nói qua điện thoại. Phía đầu dây bên kia cho rằng bà đã bỏ phí cơ hội nhận nhiều phần quà giá trị.
Theo các chuyên gia, người cao tuổi đang trở thành con mồi béo bở của lừa đảo trực tuyến. Báo cáo về xu hướng công nghệ 2022 của AARP (Hiệp hội Hưu trí của Mỹ) mới đây cho thấy, những người từ 65 tuổi trở lên đang có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng nhiều hơn để đọc tin tức, chơi game và liên lạc. Nhu cầu mua sắm trực tuyến và thanh toán online của người cao tuổi ngày một tăng cũng khiến họ trở thành mục tiêu mới của kẻ xấu.
Sau khi biết mình bị lừa, các nạn nhân thường cảm thấy tiêu cực, xấu hổ, chán nản nên càng che giấu gia đình, người thân việc mình bị lừa.
Con cái cần làm gì để cha mẹ cảnh giác với lừa đảo?
Chị Bùi Thị Lanh quê ở Thái Nguyên vẫn ấm ức mỗi khi nhìn đống hộp sữa mà bố mẹ mua về. Chị Lanh công tác ở Hà Nội, để được gặp bố mẹ nhiều hơn, chị đã mua gói mạng Internet đặt tại nhà cùng hai chiếc điện thoại thông minh cài đặt sẵn zalo để tặng bố mẹ.
Để đỡ buồn, bố mẹ chị Lanh tập lên mạng, tập mua sắm trực tuyến và…rồi cả hai đều bị lừa. Ban đầu là tin vào những lời quảng cáo, "sản phẩm này tốt, giá rẻ" "sản phẩm kia bổ não, giúp ngủ ngon"...và nhờ con gái đặt mua. Và khi những kẻ lừa đảo về đến tận quê thì bố mẹ chị nhanh chóng trở thành nạn nhân.
"Lương hưu của bố mẹ tầm 5-6 triệu/ tháng nhưng dồn cả chục triệu để mua sữa. Họ thuê những người nói hay về sản phẩm, chia sẻ tôi dùng khỏi ốm không phải đi bệnh viện, không phải dùng thuốc. Người ở quê rất tin" - chị Lanh kể lại - "Khi kiểm tra lại thông tin sản phẩm thì cũng không có địa chỉ và nguồn gốc rõ ràng. Mỗi hộp cả triệu bạc, nó đắt hơn những thương hiệu nổi tiếng khác".
Điều ấm ức là dù chị giải thích thế nào bố mẹ cũng không tin. Họ uống đều đặn các loại sữa này như chờ ngày những công dụng thần kỳ như quảng cáo sẽ phát huy tác dụng.
David Brune, giáo sư tại Đại học Toronto, cho rằng: "Điều tồi tệ hơn là cơ quan chức năng không thể thống kê chính xác thiệt hại từ các vụ lừa đảo. Một lượng lớn người cao tuổi ngại nói về việc mình từng bị lừa".
Theo báo cáo cập nhật vào tháng 10/2022 của Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ (FTC), người tiêu dùng từ 60 tuổi trở lên tố cáo hơn 467.000 vụ lừa đảo, với tổng cộng hơn 1 tỷ USD bị chiếm đoạt trong năm 2021. Dù tỷ lệ người bị lừa đảo từ 60 tuổi trở lên ít hơn so với người trưởng thành (18 - 59 tuổi), số tiền bị lừa trung bình lại cao hơn nhóm này.
"Loại tội phạm này lây lan đến mức dường như trở thành một đại dịch", Kathy Stokes, Giám đốc Phòng chống gian lận tại AARP, cho biết. Nạn nhân không chỉ gặp nguy hiểm về tính mạng mà còn chịu những tác động tiêu cực về tinh thần và sức khỏe.
Theo các chuyên gia, con cái hay các thành viên trẻ tuổi trong gia đình nên dành thời gian quan tâm đến cha mẹ, từ bữa ăn, sinh hoạt, giao lưu bạn bè...để nhận ra những yếu tố bất thường. Con cái nên nói chuyện với cha mẹ về những tình huống lừa đảo có thể gặp phải và cách phòng tránh. Chị Lanh cũng thừa nhận mình có quan tâm đến bố mẹ già nhưng chưa đủ sâu sát, chưa cảnh báo các tình huống mà đối tượng lừa đảo trực tiếp và trực tuyến nhắm tới người già. Và khi chưa kịp phòng thì người cao tuổi đã trở thành nạn nhân.
Theo VOV2