Dự thảo này có nhiều điểm mới. So với quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 46:2012/BGTVT, dự thảo mới bổ sung giải thích thuật ngữ về vành, mâm vành, vành bánh xe để nhận dạng đối tượng.
Cụ thể, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giải thích vành hợp kim có kết cấu liền khối Là vành hợp kim mà vành và các nan hoa hoặc mâm vành được chế tạo liền thành một khối từ hợp kim.
Vành hợp kim có kết cấu ghép là vành hợp kim mà vành được chế tạo từ hợp kim và các nan hoa hoặc mâm vành được chế tạo từ hợp kim hoặc các vật liệu khác và chúng được lắp ghép với nhau.
Tuy nhiên dự thảo mới giải thích vành bánh xe là bộ phận chịu tải ở giữa lốp và trục, thường gồm có hai chi tiết chính là vành và mâm vành, có thể được chế tạo liền khối hoặc kết cấu ghép.
Vành là chi tiết của vành bánh xe để lắp với lốp và giữ lốp.
Mâm vành/mâm vành bánh xe chi tiết của vành bánh xe, là bộ phận ở giữa trục và vành.
Vành bánh xe có kết cấu liền khối là vành bánh xe có vành và mâm vành được chế tạo liền thành một khối.
Vành bánh xe có kết cấu ghép là vành bánh xe có vành, nan hoa hoặc mâm vành, được liên kết lại thành một khối thông qua các mối ghép (có thể tháo được).
Kiểu loại vành, vành bánh xe là vành, vành bánh xe được coi là cùng kiểu loại nếu có cùng thiết kế, nhãn hiệu, cở sở sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất và không có sự khác biệt về một trong các đặc tính kỹ thuật sau đây:
Mã đường kính và mã chiều rộng danh nghĩa;
Kết cấu vành, vành bánh xe;
Sử dụng cho lốp (có săm hoặc không săm);
Tải trọng lớn nhất cho phép tác dụng lên bánh xe;
Vật liệu chế tạo vành, vành bánh xe.
Dự thảo mới cũng quy định rõ yêu cầu kỹ thuật đối với vành, vành bánh xe. Trong đó vành sử dụng trong vành bánh xe có kết cấu ghép sử dụng nan hoa phải đáp ứng các yêu cầu sau: Sai lệch đường kính vành không được lớn hơn 1,2 mm.
Độ đồng phẳng của vành được đo bằng cách đặt vành lên mặt phẳng. Khe hở lớn nhất giữa vành và mặt phẳng chuẩn không được lớn hơn 0,8 mm.
Theo Lao Động