Khởi đầu tốt để chiếm lĩnh thị trường khu vực, tiến ra thế giới
Cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, trong những thập kỷ gần đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp Việt, không chỉ liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trong nước thông qua các đề xuất, kiến nghị nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày một thuận lợi hơn, mà còn hỗ trợ, tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp đi ra nước ngoài (Go Global).
Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, VCCI đã đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam từ những năm 1990, những năm đầu tiên khi mở cửa. Ví dụ, VCCI là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam đi sang Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội và đầu tư. Năm ngoái, nhìn lại 30 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, không những thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mà VCCI rất tự hào rằng đã hỗ trợ được hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài. Tương tự, Nhật Bản cũng vậy.
VCCI cũng đã chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động giao lưu doanh nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tới tham dự, cảm nhận và đánh giá tiềm năng kinh tế, đầu tư của Việt Nam. Các cơ chế hợp tác doanh nghiệp đa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam làm việc trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài trong khối, mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh và mời gọi các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Có thể kể đến những doanh nghiệp lớn đã thành công như Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn BRG, Tổng Công ty May 10…, thông qua các hoạt động hợp tác tích cực với doanh nghiệp trong khu vực đã góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt.
Thông qua Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN, các doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ được vị thế của mình trên trường quốc tế tại hầu như tất cả các ngành và quy mô. Có thể kể đến: Bee Logistics, SEABank, BIDV, SHB, Mirae, KinderWorld, Kềm Nghĩa, Golf Long Thành, VietJet Air…
“Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thời gian qua, VCCI đóng vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiến những bước rất mạnh mẽ, đưa sản phẩm của Việt Nam đi ra toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định.
Nhắc tới những thương hiệu Việt Nam tạo ấn tượng tốt nhất với cá nhân mình, ông Vinh nói: “Bây giờ chúng ta có đội ngũ khá hùng hậu doanh nghiệp Việt Nam không chỉ làm ăn kinh doanh tốt ở trong nước mà còn có những dự án đầu tư rất tốt ở nước ngoài. Rất nhiều tên tuổi chúng ta có thể kể đến như Vingroup, Viettel, Vinamilk, TBS, FPT, Bảo Việt, PAN, SASCO… Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác mà ở đây không thể kể tên hết được”.
Phó Chủ tịch VCCI nêu dẫn chứng cụ thể như Viettel, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng đầu tư ra nước ngoài, đến nay, đã có mặt tại 11 quốc gia, cung cấp dịch vụ cho hơn 220 triệu khách hàng tại 3 châu lục (châu Á, châu Phi, châu Mỹ). Hiện Viettel đang giữ vị trí số 1 về viễn thông tại 5 thị trường gồm: Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực khác, như: Chuyển đổi số, giáo dục, thương mại điện tử... ở các thị trường trên.
Hay Vinamilk, sau khi đạt được thành công tại thị trường Việt Nam, đã tích cực đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài. Công ty TNHH Sữa Angkor (Angkormilk) là công ty con 100% vốn đầu tư của Vinamilk, đã đầu tư xây dựng nhà máy sữa hiện đại đầu tiên tại Campuchia vào năm 2014, và đang cung cấp nhiều sản phẩm dinh dưỡng cho thị trường này. Bên cạnh Angkormilk, Vinamilk đang có 2 công ty con khác là Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào) và công ty liên doanh Del Monte - Vinamilk (Philippines).
Vingroup cũng tương tự, trong năm 2021 đã chi hơn 450 triệu USD để đầu tư các dự án ở Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan…, và đầu năm 2022 tiếp tục công bố kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD cho nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ.
Đấy là những ví dụ rất điển hình cho các doanh nghiệp Việt tiên phong mang “hộ chiếu Việt” ra thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch VCCI đặc biệt đánh giá cao sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số “Make in Việt Nam” đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài. Hiện đã có 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập và hoạt động, vượt thời hạn 3 năm so với mục tiêu của năm 2025.
“Các doanh nghiệp công nghệ số đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Theo thống kê, khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu, xuất khẩu của ngành công nghệ số trong năm 2022 đạt khoảng 136 tỷ USD. Những doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường quốc tế, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Theo tôi, đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới”, Phó Chủ tịch VCCI nhận xét.
Doanh nghiệp cần bình tĩnh, định vị lại chiến lược xuất khẩu
Trong bối cảnh biến động toàn cầu, doanh nghiệp Việt muốn vươn ra thị trường quốc tế vấp phải khá nhiều khó khăn.
Biến động về mặt kinh tế, về mặt xã hội và về mặt môi trường đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Và gần đây, sự trì trệ của nền kinh tế thế giới, sụt giảm sức mua ở những thị trường lớn cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế mở, chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu.
“Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải bình tĩnh, cơ cấu lại, định vị lại chiến lược kinh doanh, chiến lược xuất khẩu của mình, để có những bước tiến vững chắc hơn. Ví dụ, muốn xuất khẩu sang châu Âu thì phải đáp ứng tất cả yêu cầu về mặt pháp lý, trách nhiệm xã hội của thị trường đó. Sắp tới, sản phẩm phải thân thiện hơn nữa với môi trường, sản phẩm và thậm chí cả nguyên vật liệu làm ra sản phẩm cũng phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đó là những yêu cầu của thị trường nhập khẩu và các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng để có thể trở nên bền vững hơn trong quá trình kinh doanh”, Phó Chủ tịch VCCI khuyến nghị.
Một thời gian khá dài đồng hành cùng doanh nghiệp ra toàn cầu, Phó Chủ tịch VCCI nhận thấy rõ một số lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Việt Nam là một trong những quốc gia có chi phí lao động và sản xuất thấp trong khu vực. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành thấp hơn so với các đối thủ ở các thị trường phát triển.
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động trẻ, năng động, nhiều người có trình độ đào tạo cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh doanh và tiếp thị. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tài năng, trí tuệ của lực lượng này để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Đặc tính cần cù, chăm chỉ và tư duy linh hoạt, luôn nỗ lực tạo ra sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao nhất của người Việt cũng thường được các đối tác đánh giá cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo VCCI cũng thẳng thắn chỉ rõ một số nhược điểm cần lưu ý.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực công nghệ, nhân lực tại doanh nghiệp Việt Nam hiện còn yếu về trình độ ngoại ngữ, do đó rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp Ấn Độ và Âu Mỹ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thường thiếu tư duy phản biện, trong khi khách hàng, đặc biệt là khu vực Âu Mỹ lại đánh giá rất cao điều này trong khâu tư vấn.
“Phần đông doanh nghiệp Việt Nam với nguồn lực hữu hạn thì đáp ứng được các yêu cầu mới về công nghệ của các đối tác quốc tế cũng là một thách thức không nhỏ”, ông Vinh lưu ý.
(Bài 2: : “Phao cứu sinh” đầu tiên của doanh nghiệp chính là doanh nghiệp)