Thời gian qua, việc duy trì, phát huy tiếng Việt và bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng người người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và khẳng định thành chủ trương trong các văn bản chỉ đạo như Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.
Tham gia chủ trì Chuyên đề 4 “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt” trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, Bộ đã đẩy mạnh công tác truyền, vận động, xây dựng tủ sách Tiếng Việt, Góc Việt Nam, Thư viện Việt tại thư viện cộng đồng Việt Nam ở các nước. Hoạt động này thực hiện thông qua việc phổ biến sách, văn hóa phẩm, phim ảnh, sản phẩm du lịch đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cung cấp nguồn tư liệu hỗ trợ tích cực, hiệu quả, chất lượng cho việc dạy và học tiếng Việt.
Công tác truyền thông, vận động được lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án phát triển văn hóa trong cộng đồng, đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam.
Đặc biệt trong năm 2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phát động Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 có chủ đề "Sách và khát vọng cống hiến" tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với mong muốn tuyên truyền về văn hóa đọc, phát huy việc dạy và học tiếng Việt trong cộng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhằm phát huy hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, gắn kết tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương đất nước, đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất triển khai một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, không ngừng nghiên cứu các giải pháp nâng cao hơn nữa kết nối trong nước với cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tôn vinh tiếng Việt.
Thứ hai, khuyến khích duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài qua sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình, đồng thời tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hóa Việt Nam tại các nước, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với từng địa bàn, đồng thời có sự thống nhất chung cho mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ...
Thứ tư, không ngừng nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào có thông tin và mong muốn đem khả năng, trình độ cao của mình đóng góp cho quê hương, đất nước. Đề cao vai trò của công tác truyền thông, khen thưởng nhằm ghi nhận, khuyến khích, truyền cảm hứng cho những đóng góp to lớn của từng cá nhân và tổ chức người Việt cho đất nước. Qua đó gắn kết, thu hút nhiều hơn nữa những đóng góp có giá trị của người Việt trên khắp thế giới cho mục tiêu phát triển đất nước.
Thứ năm, tận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, xây dựng kênh thông tin Internet, truyền hình kỹ thuật số kết nối kiều bào với quê hương; cung cấp các phần mềm dạy, học tiếng Việt và các tài liệu hỗ trợ liên quan qua Cổng thông tin dạy và học tiếng Việt trực tuyến để kiều bào thuận tiện trong tiếp cận thông tin, tổ chức chương trình cuộc thi tìm hiểu tiếng Việt nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, nâng cao trình độ tiếng Việt của kiều bào, qua đó, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt.