Tại Hội nghị Quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions khu vực Đông Á mới đây, các chuyên gia cùng thảo luận về những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực giảng dạy, học và khảo thí tiếng Anh.

Bà Mina Patel, chuyên gia Nghiên cứu khảo thí, Hội đồng Anh, cho hay, hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Có hơn 2 tỷ người sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp trên toàn cầu.

“Mặc dù ngày nay, thế giới đang trở nên đa ngôn ngữ, nhưng đối với lĩnh vực giáo dục và lao động, tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ hàng đầu để phục vụ trong học tập và công việc”, bà Mina Patel nói.

Có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong mảng giáo dục, bà Mina Patel đánh giá bất kỳ ai cũng đều có khả năng học ngôn ngữ. Sự khác biệt duy nhất nằm ở động lực và điều kiện học tập.

“Nếu mọi người có động lực từ bên trong, họ sẽ thành công theo bất kỳ cách nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu động lực chỉ đến từ bên ngoài như những lý do ngắn hạn rằng: “Tôi cần vượt qua kỳ thi này”, động lực ấy sẽ không đủ lớn để có thể thúc đẩy bản thân mỗi người học tới những kết quả lớn hơn”.

hocsinh2.jpg
Học sinh THPT tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Huế Nguyễn

Với người trẻ hiện nay, theo bà Mina Patel, đã có động lực học tiếng Anh hơn trước. Nhưng để duy trì, tiếp thêm động lực và truyền cảm hứng học tập cho học sinh vẫn cần một số điều chỉnh trong cách thức giảng dạy.

“Học sinh muốn được tương tác và thử thách hơn trong lớp học, vì thế công việc của giáo viên phải tạo ra sự đa dạng trong các chương trình học, thu hút học sinh và là một tấm gương tốt để truyền động lực cho người học. Hãy để học sinh bước vào lớp học với sự thích thú và mong muốn học tập. Nếu thấy được mục đích của việc học tiếng Anh thay vì tiếp thu thụ động, người học sẽ tham gia nhiều hơn”, bà Mina Patel nói.

Cần thay đổi cách đánh giá năng lực tiếng Anh

TS Nguyễn Thị Mai Hữu – Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GD-ĐT đánh giá xét về mặt điểm số, hiện nay có rất nhiều học sinh Việt Nam đạt mức điểm IELTS 6.5 – 7.0, thậm chí là 8.5. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh được miễn thi tiếng Anh cũng tăng lên trên 40.000.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều người dù đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng không nói được tiếng Anh. Điều này, theo TS Mai Hữu, là do phương pháp giảng dạy trước đây “không thiên theo hướng giao tiếp, do đó học sinh được học về ngữ âm nhiều hơn nghe - nói, đồng thời cũng không có môi trường sử dụng”.

“Hiện nay, học sinh học tiếng Anh nhưng chưa có nhiều môi trường để giao tiếp, thực hành. Ngoài ra các bài thi, trong đó có bài thi tốt nghiệp THPT, không đánh giá kỹ năng nghe - nói nên chưa phát huy hết khả năng của người học”, TS Mai Hữu chia sẻ.

Theo bà, với môn tiếng Anh “càng thực hành nhiều càng tốt”. Nhưng thực tế, do không gian hạn chế của lớp học, các hoạt động tương tác đôi khi có thể gây ồn cho các lớp khác. Mặt khác, việc học tiếng Anh cần phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Nhưng ở một số khu vực ưu tiên thời gian cho các môn tự nhiên như Toán hơn, do đó thời gian học tiếng Anh còn hạn chế.

“Vốn dĩ, tiếng Anh không thể học nhồi nhét mà cần thực hành dần dần để tốt lên, do đó động lực của bản thân là điều quan trọng”.

TS Mai Hữu đề xuất việc phát triển ngôn ngữ cho người học cần được bắt đầu từ cấp nhỏ để trẻ được nghe nhiều hơn, từ đó hình thành các kỹ năng khác.

“Với trẻ mầm non nên bắt đầu làm quen với môi trường học tiếng Anh một cách tự nhiên, không nên ép buộc. Khi nghe tiếng Anh đều đặn hàng ngày trên đài, TV, kể cả không hiểu nhưng trẻ vẫn sẽ quen với âm thanh và đi vào trong não, từ đó việc học tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn”.