Tại họp báo Chương trình truyền thông hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đã nêu dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng của hệ tiêu hóa.
Theo GS.TS Tuyên, con người sinh ra có trọng lượng khoảng 3kg. Khi trưởng thành, cân nặng sẽ khoảng 50kg, 47kg còn lại được lấy từ thức ăn.
Trung bình mỗi người (nếu sống khoảng 70 năm) tiêu thụ khoảng 144 tấn thức ăn thức ăn (không kể nước uống) thông qua đường tiêu hóa, biến thành dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Trong thức ăn có khoảng 60 chất khác nhau, trong đó có 40 chất cơ thể không tổng hợp được bắt buộc phải lấy từ thức ăn. Chuyên gia dinh dưỡng này cho biết, thông qua những quan sát sinh hoạt hàng ngày, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rất quan trọng “Bệnh là từ miệng vào”. Cho tới ngày nay, nhận xét này vẫn còn ý nghĩa, xét từ góc độ khoa học.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều người đang coi thường hệ tiêu hóa. Theo đó, chúng ta ăn thực phẩm không an toàn, uống bia rượu, thậm chí rất nhiều người ngâm động vật, các chất lạ vào rượu.
Ông Tuyên cũng nhấn mạnh, trước đây, chúng ta ăn để sống, chỉ mong ăn no, hiện kinh tế đã khá giả, ăn uống được đầy đủ chất hơn, thực phẩm đa dạng hơn, nhiều dưỡng chất hơn.
Nhưng lại xảy ra tình trạng dư thừa, đặc biệt là thịt đỏ. Tổ chức chống ung thư thế giới quy định, một ngày, mỗi người ăn không quá 70g thịt đỏ. “Theo điều tra của chúng tôi, lượng tiêu thụ thừa thịt đỏ tăng lên khá cao. Bên cạnh đó, một số quan niệm giảm cân, chữa bệnh sai lầm như chế độ kento, lowcab, có người loại bỏ hoàn toàn ngũ cốc khỏi bữa ăn… khiến cho cơ thể thiếu chất này, thừa chất kia”.
Việc chúng ta chọn thực phẩm an toàn, coi đường tiêu hóa như một “cái kho” dẫn đến nhiều hệ lụy. Viện trưởng Viện dinh dưỡng khuyến cáo, chúng ta phải ăn đầy đủ thực phẩm, đa dạng dinh dưỡng. Bởi khi tiêu thụ thực phẩm không sạch, không an toàn dễ gây ra nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy… Ăn quá nhiều thịt gây ra bệnh tăng axit uric, béo phì thừa cân, gây bệnh tim mạch…
Trên phương diện tổng thể, khi tình trạng dinh dưỡng được cải thiện thông qua bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, các vấn đề về sức khỏe cũng theo đó được nâng cao. Nói một cách khác, cơ thể cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ dẫn tới có đủ dự trữ dinh dưỡng. Dự trữ này sẽ được huy động để thực hiện các chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài ra, các thiếu hụt vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân Covid-19.
Như vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Trước thực trạng về dinh dưỡng và sức khỏe tiêu hóa hiện nay, việc truyền thông để giúp nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò của dinh dưỡng và tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể là rất cần thiết. “Dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật”, ông Tuyên chia sẻ.
Ngọc Trang