Đây là chia sẻ của Doanh nhân Lê Hồng Thuỷ Tiên (TP.HCM) tại chương trình Đối thoại cùng CEO do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tổ chức. Khi sinh viên đặt câu hỏi yếu tố nào tạo sự thành công, bà Thủy Tiên khuyên sinh viên cần có ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ khi ngồi trên nhà trường.
Tuy nhiên cũng theo nữ doanh nhân, đừng mơ mộng lớn quá lớn để khó thành hiện thực. Mỗi sinh viên hãy là người thuyền trưởng chèo lái con thuyền đi đến ước mơ của mình.
Mặt khác, sinh viên phải có khát vọng trở thành công nhân toàn cầu, mới đủ năng lực cạnh tranh trước sự toàn cầu hóa. Dẫn chứng điều này, bà Tiên nói hiện trên thế giới, thế hệ gen Z đang chiếm 1/4 dân số. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, tính đến năm 2025, thế hệ gen Z có khoảng hơn 15 triệu người.
Trong thế giới phẳng, thế hệ gen Z được chào đón nhất nhưng cũng phải cạnh tranh khốc liệt nhất để tìm việc làm. Vài năm tới, mỗi sinh viên khi ra trường sẽ phải cạnh tranh để tìm việc làm với hơn 15 triệu người ở Việt Nam và 2,6 tỷ người trên thế giới. Vì vậy ngay từ bây giờ, các bạn phải đặt câu hỏi mình đã chuẩn bị, trang bị được gì cho cuộc cạnh tranh này.
“Những nhà tuyển dụng như chúng tôi sẽ không hỏi các bạn có biết Powerpoint, Excel, Word mà sẽ hỏi các bạn có biết AI, Big data hay sử dụng AI như một công cụ không?” – bà Thuỷ Tiên nói. Nữ doanh nhân cũng khuyên sinh viên nên sử dụng AI chuẩn bị hành trang và cạnh tranh những ngành nghề “hot”.
Dù đang ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cũng phải quan tâm đến vấn đề lớn của thời cuộc. Hiện nay, trên các nền tảng tìm kiếm luôn cập nhật những ngành nghề sẽ bị mai một hay biến mất khỏi thị trường hoặc top các ngành nghề hot nhất trong tương lai. Do vậy sinh viên cần phải tìm hiểu để trang bị những điều cần thiết, bởi có những ngành nghề khi đang học đã được dự báo tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trả lời cho câu hỏi sinh viên sẽ cần phải chuẩn bị những gì để được tuyển dụng vào doanh nghiệp khi ra trường, bà Thuỷ Tiên nói rằng xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay là rất cần nhân viên có nhiều kỹ năng.
Vì vậy, sinh viên trang bị cho mình kiến thức, nhiều kỹ năng sẽ là cách đến thành công nhanh nhất. Việc tìm kiếm kho tàng kiến thức trên internet đảm bảo sinh viên không thua kém bạn cùng trang lứa ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Ngoài ra, phải đầu tư học phải ngoại ngữ vì đây là chìa khóa chinh phục kho tàng kiến thức của thế giới.
“Nếu các bạn có thời gian hãy học tiếng Anh, đừng mất thời gian vô bổ vào lướt TikTok, Facebook hay việc khác không hữu ích”- bà nói.
Trước câu hỏi của sinh viên, việc học và làm trái chuyên ngành có ảnh hưởng gì lớn, bà Thủy Tiên khuyên sinh viên có thể học một ngành nhưng xác định công việc ở một ngành khác. Thế nhưng khi làm bất kỳ việc gì đều phải làm tốt hết mức để từ đó nhận ra được đam mê của mình.
“Hiện, nhiều bạn ra trường thường thường chê những công việc lương thấp vì nghĩ rằng mình tốt nghiệp đại học ngành này, ngành kia và không làm những việc thấp hơn. Đây là sai lầm”- bà thẳng thắn.
Bà cũng khuyên trong quá trình học, sinh viên hãy mạnh dạn đăng ký làm thực tập sinh, cọ xát ở các doanh nghiệp, cơ hội việc làm khi ra trường sẽ mở rộng. Ngoài ra, sinh viên cũng đừng ngần ngại chuyển sang một ngành học khác nếu cảm thấy không đủ yêu thích ngành đang học.