Thời gian qua, Vĩnh Long là một trong những địa phương có tình hình sạt lở diễn biến phức tạp tại ĐBSCL. Hồi tháng 6, tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Măng Thít, với mức độ nguy hiểm dài 265m, đoạn qua ấp Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng đã ảnh hưởng đến nhà cửa, sinh hoạt và sản xuất của 13 hộ dân. Có 2 hộ dân bị sụp hoàn toàn nhà tiền chế, hàng rào và bờ kè dài khoảng 40m. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do sạt lở gây ra theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra...
Tình hình sạt lở trên địa bàn Vĩnh Long vẫn đang diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng tỉnh đã có những phương án cụ thể để ứng phó với tình trạng này.
Đơn cử như UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát động phong trào trồng cây xanh phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2024-2030.
Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường ổn định bờ sông, bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ bao, kênh, tạo cảnh quan môi trường xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp chính quyền và cộng đồng đối với việc trồng cây xanh; phát huy vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; hạn chế xói mòn, sạt lở làm mất đất, giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, ổn định môi trường, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo đất; tạo ổn định cho người dân sinh sống.
Cụ thể, phân kỳ thực hiện phấn đấu đến năm 2030, có từ 50% trở lên các tuyến bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở được phát động trồng cây phòng, chống sạt, lở. Tùy theo địa hình, địa chất và tốc độ sạt lở của bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở mà có thể lựa chọn cây trồng phù hợp. Dọc theo các tuyến bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở nhưng phải có tiềm năng để trồng các loại cây phòng, chống…
Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm, các địa phương, đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống cho từng loại hình thiên tai, củng cố lực lượng chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, triều cường…
Ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình, hoàn thiện các đê bao ven sông lớn, đồng thời, đưa vào hoạt động 11 trạm quan trắc đo độ mặn tự động. Song song đó, tiến hành khảo sát, đánh giá lại mức độ sạt lở tại các điểm có dấu hiệu sạt lở, cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động ứng phó.
Tại tỉnh Tiền Giang, theo ghi nhận, thời gian qua tuyến kênh 28 (huyện Cái Bè) đã xảy ra nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng, với tổng chiều dài sạt lở khoảng 3,76km.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2023, Tiền Giang được phân bổ 200 tỷ đồng.
Nguồn vốn này được phân bổ để thực hiện đầu tư Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách kênh 28 và mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức nghi thức động thổ.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 249 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 200 tỷ đồng và còn lại sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Chiều dài tuyến kè là 2.373m, gồm 10 đoạn, chia làm 3 gói thầu xây lắp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu là chủ động nâng cao vai trò quản lý của các ngành, các cấp trong công tác theo dõi, đánh giá diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển; thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi ổn định an toàn; hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông…
Ngoài ra, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng kinh phí 1.020 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Bạc Liêu, đến ngày 24/6, có tổng 39 căn nhà bị ảnh hưởng sạt lở; trong đó 10 hộ dân phải di dời nhà cửa khẩn cấp đến nơi khác an toàn; 29 ngôi nhà của bà con vẫn chưa di dời được, có nguy cơ bị sạt lở rất cao...
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã trực tiếp chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đưa ra giải pháp đối với tình trạng sạt lở xảy ra ở phường 5 (TP Bạc Liêu) và phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai).
Trước tình hình cấp bách, ông Thiều đề nghị các sở, ngành phối hợp với 2 địa phương trên nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân. Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu chính quyền và các ngành chức năng khẩn trương cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chưa cắm biển cảnh báo. Cần phối hợp tăng cường các lực lượng xung kích tiếp tục xuống hiện trường giúp dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống, có giải pháp gia cố tạm thời để người dân an tâm. Kiên quyết không để thiệt hại về người; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân...
T.Chí