Bộ Tài chính vừa có văn bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, gồm cả Luật Quản lý thuế.
Trong đó có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cân nhắc, làm rõ tính phù hợp của nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 5 Luật Quản lý thuế quy định giải trừ trách nhiệm công chức thuế khi đã làm đúng, đầy đủ quy định trong phạm vi hồ sơ của người nộp thuế và văn bản, tài liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Tài chính lý giải, mặc dù đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc nhưng nhiều vụ việc mua bán hóa đơn với số tiền thuế lớn vẫn bị cơ quan công an phát hiện. Triển khai hóa đơn điện tử không thể ngăn chặn được gian lận, mua bán hóa đơn của doanh nghiệp, vì hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu có thật hay không thì cơ quan thuế không thể xác định được nếu chưa kiểm tra, xác minh, mặc dù doanh nghiệp đã gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế.
Cán bộ thuế không thể kiểm soát hết được dữ liệu. Hệ thống tự động không thể kiểm soát được hết bản chất giao dịch thực tế, gian lận về thuế.
Cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc xác minh về hoạt động mua bán của người nộp thuế mất rất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị như ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển, công an, hải quan…
“Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau phải có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế. Cán bộ thuế chỉ chịu trách nhiệm theo các thông tin trên hồ sơ doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn, không phải chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp gian lận trong việc kê khai và cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác, dẫn đến giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp không đúng quy định”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Trên thực tế, rất nhiều vụ mua bán hóa đơn đã và vẫn đang tiếp tục bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Đầu tháng 8/2024, Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn số 3385 về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Thuế Doanh nghiệp lớn.
Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được Bản án số 115 ngày 29/12/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ về kết quả xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Tòa án xác định trong thời gian từ tháng 12/2020-10/2022, đối tượng Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp hoặc thông qua đối tượng trung gian sử dụng 637 công ty do Nguyễn Minh Tú mua lại để bán trái phép 1.025.712 hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức và thành lập 6 công ty tài chính để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử, thu thập hóa đơn giấy (nếu có) của các công ty trong danh sách 637 công ty nêu trên để áp dụng các biện quản lý thuế theo quy định. Trường hợp phát hiện người nộp thuế thuộc cơ quan thuế quản lý có sử dụng hóa đơn của các công ty này để kê khai thuế thì xem xét, xử lý thuế, hóa đơn theo quy định.
Các cục thuế tiến hành rà soát, có báo cáo tổng hợp chung kết quả xử lý về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn của 637 công ty, gửi bản giấy về Tổng cục Thuế trước ngày 31/12/2024 (file mềm về địa chỉ pttha@gdt.gov.vn).
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý thuế như sau: “Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế”; “Công chức thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ thuế của người nộp thuế”. |