Ngày 9/9, tại phiên họp toàn thể thứ 7 của Ủy ban Tư pháp sáng 9/9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày các ý kiến thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
Còn lợi dụng kẽ hở chính sách để nhũng nhiễu
Trong các đánh giá của nhóm nghiên cứu, ông Cường cho biết, tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực.
Hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.
Báo cáo dẫn kết quả của PAPI 2021 nêu, tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công, người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% - 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Điều đáng chú ý là tình trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy “sổ đỏ” còn phổ biến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Chỉ đến khi thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
Điển hình là vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre để xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng…
Sau khi có kết luận thanh tra, Giám đốc CDC Bến Tre đã nộp lại số tiền nêu trên để khắc phục hậu quả. Qua xem xét kết quả kiểm tra với đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc CDC Bến Tre và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn “lợi ích nhóm” gia tăng
Ngoài ra, ông Cường nhấn mạnh, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự.
Các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh làm rõ, xử lý nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng kéo dài.
Đặc biệt, nhiều hành vi tham nhũng trước đây rất ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; tăng cường phối hợp, tích cực đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, khởi tố mới nhiều vụ án; kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm. Đáng chú ý, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý…
Đơn cử là ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố vì liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á...
Nhiều địa phương đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm như Tuyên Quang, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang...
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đáng chú ý, năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước
Điển hình như vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh...
Ngoài ra, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan….
Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm VKSND Trình bày ý kiến thẩm tra báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, trong năm vẫn để xảy ra 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của VKSND, tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, có 15 trường hợp VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nhưng sau đó Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với bị can do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; 2 trường hợp VKS đình chỉ trong giai đoạn truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Ngoài ra còn xảy ra một số trường hợp VKSND hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng, sau đó bị can phạm tội mới, bỏ trốn phải ra lệnh truy nã. Còn xảy ra trường hợp VKSND cấp dưới đình chỉ bị can không có căn cứ, trái pháp luật, sau đó bị VKSND cấp trên hủy bỏ. Đáng lưu ý, có 65 vụ Toà án trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới (đến nay đã khởi tố 29 trường hợp). Tỷ lệ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Tòa án trả hồ sơ cho VKSND yêu cầu điều tra bổ sung chiếm 3,4% (tăng 0,5%). Cụ thể, số vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ bị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung tăng 0,5% (năm 2021 là 73/2498 vụ, chiếm 2,9%, năm 2022 là 80/2.367, chiếm 3,4%)... |