Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, mụn trứng cá là dạng bệnh nang lông tuyến bã.
Y học cổ truyền cho rằng mụn gây ra bởi "nóng trong". 50% bệnh nhân đến khám vì mụn từng dùng các loại mát gan, bổ gan, nhưng tình trạng không cải thiện. Nhiều người nghĩ sang hướng do dạ dày, tiêu hóa, hormone nội tiết…
Với y học phương Tây, nhiều trang web của các bệnh viện lớn trên thế giới đăng tải bản đồ về mụn tương ứng một số bệnh.
Theo bác sĩ Minh, đa số ở trẻ em ở tuổi dậy thì, mụn thường khởi phát ở vùng trán, hai bên cánh mũi. Nhiều người cho rằng có mụn ở trán chứng tỏ "nội tiết chưa ổn".
Thực chất, quá trình chuyển đổi từ trẻ con sang người lớn, yếu tố tiết dầu từ androgen (hormone sinh dục nam) tác động khiến tuyến bã tăng tiết nhiều hơn. Mỗi ngày, trẻ vận động nhiều, mồ hôi, bụi bẩn tích tụ, cộng thêm tăng tiết bã dầu nhưng lại chưa biết cách vệ sinh làm sạch da mặt, sẽ khiến vùng này mụn nhiều hơn.
Như vậy, mụn ở trán trẻ dậy thì không phải do "nội tiết chưa ổn" mà yếu tố chính là trẻ chưa tạo được thói quen (vệ sinh) thích ứng với sự chuyển đổi.
Nhiều người cho rằng, mụn xung quanh vùng miệng, cằm, viền hàm… là do nội tiết.
Thực tế, nhiều chị em nhận thấy mụn thường mọc vùng này trong thời kỳ trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều đó có liên quan việc androgen có xu hướng tăng lên thời kỳ này, làm tăng tiết bã dầu nhiều hơn.
Ngoài liên quan yếu tố hormone, người thường mọc mụn ở quanh miệng, cằm còn do hệ vi khuẩn xung quanh vùng này phần nhiều là loại kị khí. Khi gặp điều kiện thuận lợi như lau rửa bằng vật liệu thô ráp gây trầy xước; đeo khẩu trang không đúng cách; chạm tay bẩn… khiến vùng mặt này dễ tổn thương, nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân không điều trị mụn đúng cách, thường sờ tay bóp nặn, nguy cơ nhiễm khuẩn toàn bộ vùng mặt là hoàn toàn có thể.
"Nếu bệnh nhân đến viện với khuôn mặt đầy mụn, 'chiểu' theo 'bản đồ mụn' thì bệnh nhân đó 'hỏng' hết cơ quan nội tạng, trong khi không phải vậy", bác sĩ Minh khẳng định.
Không thể căn cứ vào vị trí mọc mụn trên mặt để đoán tình trạng sức khỏe
Theo bác sĩ Minh, vị trí mọc mụn có liên quan đến một số yếu tố thuận lợi, kết hợp cùng nhau. Bác sĩ da liễu khi thăm khám sẽ đặt nhiều câu hỏi để loại trừ nhóm bệnh lý hoặc tiền sử.
Ví dụ: Nếu gặp bệnh nhân có mụn vùng trán, chân tóc, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân có nhuộm tóc gây phản ứng dị ứng tại chỗ không; có dùng mỹ phẩm ở vùng da đầu sát vùng trán không?
Hoặc một nữ bệnh nhân đến viện vì mụn sẩn nhiều quanh cằm, viền hàm, tăng tiết bã nhờn nhiều, kết hợp hơi rậm lông vùng tay, ria mép, chu kỳ không đều, những yếu tố này thường hướng đến dấu hiệu đi kèm như buồng trứng đa nang,...
"Kết hợp quá trình thăm khám liên quan tình trạng da viêm nhiễm, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân khám thêm phụ sản, thực hiện thêm siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán bệnh buồng trứng hay nội tiết đi kèm. Bệnh nhân sẽ điều trị buồng trứng đa nang - nguyên nhân gây mụn", bác sĩ Minh nói.
Một người đến khám với bệnh cảnh nặng nề, nhiều tổn thương viêm đỏ, có mủ vùng mặt. Qua hỏi bệnh và thăm khám thêm, bác sĩ phát hiện những vùng khác (như lưng, ngực) có tăng tiết bã dầu và viêm nhiễm, cần điều trị toàn thân với thuốc kháng sinh, thuốc giảm tiết dầu, thuốc bôi và chăm sóc da tại chỗ...
Một số trường hợp diễn biến nặng vì không có kiến thức đầy đủ về mụn, thường nghĩ do "nóng trong" nên dùng các thuốc, thực phẩm mát gan, làm theo cách điều trị mụn được quảng cáo sai sự thật... dẫn đến tổn thương nặng nề, có thể phải nhập viện và để lại nhiều biến chứng như sẹo lồi, lõm.