Cửa hàng tạp hóa Tùng Hồng, tổ 15, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) luôn nhộn nhịp khách hàng. Lượng hàng nhập về và xuất bán hàng ngày rất lớn kéo theo dòng tiền đầu tư và thu nhập biến động thường xuyên.
Để đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện cho khách hàng, chủ cửa hàng Đặng Xuân Tùng đã mở tài khoản tại 4 ngân hàng, in mã QR cod.
Anh Tùng chia sẻ: “Phần lớn tiền nhập hàng hiện nay tôi đều thực hiện theo hình thức chuyển khoản trực tuyến qua các dịch vụ của ngân hàng được cài đặt trên điện thoại di động; mỗi ngày, số lượng hàng hóa bán ra được tích hợp, thống kê trên phần mềm bán hàng và các giao dịch chuyển khoản của khách hàng chiếm trên 50% doanh số. Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi trong quản lý dòng tiền”.
Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh được giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. |
Khi nhiều hoạt động có thể được thực hiện thành công bằng cú “nhấp chuột”, ngành Du lịch đã tận dụng thời cơ, phát triển mạnh mẽ du lịch số, trong đó, việc quảng bá mạnh mẽ du lịch trên các nền tảng số đã giúp đưa hình ảnh Hà Giang đến với lượng khách hàng khổng lồ cả trong và ngoài nước; giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, lựa chọn điểm đến.
Chuyển đổi số (CĐS) đang làm thay đổi cơ bản mô hình và cách thức hoạt động của ngành Du lịch trên cơ sở tận dụng công nghệ số hiện đại để tạo ra những cơ hội và giá trị mới.
Nghị quyết số 52 ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư” với quan điểm phát triển KTS là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình CĐS quốc gia và đặt mục tiêu đến năm 2025, KTS Việt Nam chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội.
Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025 xác định KTS là 1 trong 3 “trụ cột” quan trọng của CĐS, hướng đến mục tiêu năm 2025 CĐS tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT - XH; 50% hàng hóa được chứng nhận nhãn hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử và 200 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn được hỗ trợ thực hiện CĐS.
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch CĐS hàng năm; hoàn thiện tổ chức bộ máy về CĐS từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt ký kết thỏa thuận hợp tác CĐS với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel).
Sau ký kết, các tập đoàn tích cực tư vấn, hỗ trợ tỉnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh CĐS; tổ chức các hội nghị, hội thảo với các chuyên gia về KTS để nâng cao nhận thức cho các thành viên, doanh nghiệp, HTX, nhà quản lý trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các cấp, ngành, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn 117.281 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử; mở 105 lớp đào tạo, tập huấn về KTS; đưa sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử như: Sendo, shop VnExpress, postmark, voso.
Theo công bố năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số CĐS của tỉnh ta xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố; trong đó, KTS xếp thứ 23/63. Con số này chứng minh sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành của tỉnh và sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế từ truyền thống sang nền KTS.
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, Đỗ Thái Hòa chia sẻ: “KTS tạo ra mô hình tăng trưởng mới, giá trị mới, thói quen, kỹ năng tiêu dùng mới, dịch vụ tiện ích và nhiều việc làm mới, giúp gắn kết giữa sản xuất và tiêu dùng, là xu thế phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay”.
Theo Biện Luân (Báo Hà Giang)