'Ngân hàng phải là nhà đầu tư' 

Sáng 25/4, tại TP.HCM, Báo Người Lao động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ hai với chủ đề “Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu”. 

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tham tán thương mại, thương vụ nước ngoài cùng lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế…

W-nld-3-1.jpg
Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao động, phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Đặng Quốc Hùng, TGĐ Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho hay, DN của ông chuyên tổ chức hội chợ về hàng nội thất và xúc tiến thương mại cho ngành nội thất mỹ nghệ. 

Trước đây, các DN tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ và châu Âu. Khi những thị trường này có vấn đề thì lập tức các DN sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cần định hướng cho các DN mở rộng đến các thị trường không phải truyền thống. 

Theo ông Hùng, giai đoạn ngắn hạn, kinh tế thế giới khó tăng trưởng, trong khi sự cạnh tranh xuất khẩu giữa các thị trường rất gay gắt. Câu hỏi đặt ra là làm sao để DN trong nước có ưu thế cạnh tranh? 

“Một trong những giải pháp đó là ngân hàng phải là một nhà đầu tư chứ không đơn thuần chỉ là bên cho vay. Bên cạnh cho vay, ngân hàng cần đầu tư để giúp DN nâng cao trình độ sản xuất nhằm tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, cần phải mở rộng vốn cho những DN tiềm năng”, ông Hùng nêu ý kiến. 

Chia sẻ về thị trường xuất khẩu thực phẩm, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT G.C Food cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ rau quả rất cao. Là DN chuyên chế biến các sản phẩm từ rau quả nên G.C Food đang có thế mạnh. 

Tuy nhiên, theo ông Thứ, G.C Food và các DN xuất khẩu khác đang gặp khó khăn khi đồng nội tệ thấp so với USD. Khi giao dịch bằng USD, một số đối tác mong muốn giảm giá để bù trượt giá. Để giữ thị trường, G.C Food phải giảm giá đối với một số hợp đồng, do đó biên lợi nhuận bị giảm. 

W-nld-2-1.jpg
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch VITAS, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư - Thương mại Thành Công, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Triều 

Nói về ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho biết, quý 1/2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang đứng thứ 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn, sau Trung Quốc và Bangladesh. 

Cho rằng không thể cạnh tranh với DN Bangladesh về chi phí nhân công và thuế xuất khẩu sang EU thấp, theo ông Tùng, DN dệt may Việt Nam đang nhìn DN Trung Quốc để phấn đấu. Bởi mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu trên dưới 300 tỷ USD, gấp 7 – 8 lần Việt Nam. 

“Vấn đề hiện nay là các chi phí đều tăng. Bên mua yêu cầu tiêu chuẩn hàng hoá xanh và sạch hơn trong khi giá không đổi. Đây là áp lực kép đối với các DN xuất khẩu hàng dệt may. Để đáp ứng yêu cầu của đối tác từ Mỹ hay châu Âu trong thời gian tới, các DN buộc phải đầu tư nhà máy, tuân thủ bộ tiêu chuẩn ESG, điện mặt trời, giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế…”, ông Tùng phân tích.

Theo Phó Chủ tịch VITAS, chi phí đầu tư cho giảm thiểu tác động môi trường rất cao, biên lợi nhuận của DN dệt may sẽ thấp hơn nên các tổ chức tài chính sẽ có những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để DN dệt may đầu tư “xanh hoá”. Ngoài ra, cần có chính sách giảm thuế cho các DN tham gia đầu tư xanh. 

Khuyến khích giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên 

Tham gia diễn đàn bằng hình thức trực tuyến, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, liên quan đến việc hỗ trợ cho xuất khẩu, ngoài nguồn vốn còn nhiều vấn đề khác, đặc biệt là tỷ giá. NHNN đang thực hiện các giải pháp để duy trì lãi suất và giữ tỷ giá ổn định. 

Về vốn, ông Tú cho rằng thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn dồi dào. DN nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu chắc chắn sẽ được cho vay. Lãi suất cho vay hiện nay đã thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhất là các khoản vay mới. 

W-nld-1-1.jpg
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ hai với chủ đề “Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu”. Ảnh: Hoàng Triều

“Hạ lãi suất nhưng phải phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát. Hiện nay, NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất tăng hay giảm mà khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên”, ông Tú nói. 

Về tỷ giá, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, thời gian qua có sự dao động và VNĐ đã mất giá so với thời điểm đầu năm. Năm 2023, VNĐ mất giá khoảng 2,6% nhưng so với các nước láng giềng, việc giữ được mức giá này là nỗ lực lớn. 

Trong trường hợp cần thiết, để ổn định tỷ giá, NHNN sẽ dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp. Đến nay, tỷ giá trung tâm của NHNN giảm còn 4,8% so với năm 2023. Quan điểm của NHNN là ổn định chứ không cố định tỷ giá, đảm bảo lãi suất tiền gửi USD 0%. 

Lãnh đạo NHNN khẳng định, trong những chính sách của NHNN thì lĩnh vực xuất khẩu luôn được ưu tiên. NHNN vẫn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với các DN xuất khẩu hàng hoá ưu tiên như cà phê, thuỷ sản, gỗ, lúa gạo…