Sau khi quét não của các tình nguyện viên, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản) có thể biết được suy nghĩ, thậm chí ghi lại giấc mơ của những người đó.
Nhóm tác giả giải thích: “Phương pháp của chúng tôi có thể tái tạo lại các hình ảnh có độ phân giải cao từ hoạt động của não người”. Họ xác định, thuật toán đưa ra kết quả chính xác tới 80% so với bản gốc, tương tự một nghiên cứu trước đây của Đại học Cornell (Mỹ).
Nghiên cứu được công bố trên bioRxiv đã sử dụng bản quét não của 4 người được cho xem các hình ảnh bao gồm gấu bông, đoàn tàu, tháp đồng hồ và người đang trượt tuyết.
Các tác giả sử dụng chụp cộng hưởng từ chức năng, kỹ thuật quét não đo lường những thay đổi nhỏ trong lưu lượng máu xảy ra với hoạt động của não. Kỹ thuật này có thể kiểm tra phần nào của não đang xử lý các chức năng quan trọng như ngôn ngữ và trí nhớ, đồng thời đánh giá tác động của đột quỵ hoặc các bệnh khác.
Bản scan xác định vùng não được kích hoạt trong khi những người tham gia xem từng hình ảnh.
Sau đó, các nhà khoa học sử dụng mô hình khuếch tán ổn định để tái tạo hình ảnh đồng nghĩa đọc được suy nghĩ của những người tham gia. Họ đã tiến hành các thử nghiệm nhận dạng dựa trên thuật toán để xác định xem hình ảnh AI có giống với hình ảnh gốc tương ứng hay chỉ là ngẫu nhiên.
"Nhìn chung, chất lượng tái tạo ổn định và chính xác. Những kết quả này cho thấy phương pháp của chúng tôi nắm bắt được nội dung suy nghĩ ở mức độ cao”, các nhà nghiên cứu khẳng định.
Theo The Sun, công nghệ AI đang ngày càng đóng góp nhiều cho lĩnh vực y tế. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh năm ngoái tiết lộ họ sẽ sử dụng AI để phát hiện, sàng lọc và điều trị những người có nguy cơ mắc bệnh viêm gan C nhằm nỗ lực loại bỏ căn bệnh đe dọa tính mạng này vào năm 2030.
Trong khi đó, các chuyên gia e ngại ChatGPT có thể giúp sinh viên vượt qua kỳ thi để đủ điều kiện trở thành bác sĩ.