Trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc củng cố chất lượng thông tin truyền thông và những khuyến cáo chính xác cũng quan trọng không kém công cuộc cứu chữa người bệnh. Chính vì vậy, vai trò kiểm duyệt tin tức nhằm nâng cao cảnh giác và ngăn chặn sự hoang mang dư luận cũng được đặt lên hàng đầu, không chỉ với các cơ quan truyền hình mà cả thương hiệu mạng xã hội nổi tiếng như Facebook.
Mới đây, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã công bố thêm một chức năng phòng chống fake news (tin giả) dành cho người dùng mỗi khi có ý định chia sẻ lại điều gì đó liên quan tới Covid-19. Khi nhận biết được hành vi này, ứng dụng sẽ ngay lập tức tự động cảnh báo và cung cấp thông tin cụ thể (nguồn gốc, thời gian chia sẻ lần đầu) để người dùng tự xem xét.
Giao diện cảnh báo nguồn tin (Ảnh: Facebook)
Cách hoạt động của chức năng mới này được liên kết với một tính năng hiện có, cho phép đánh giá tự động tính chất update của tin tức. Chẳng hạn, nếu như một thông tin chứa cùng từ khóa và gần giống nội dung, nhưng đã xuất hiện từ khá lâu và không có giá trị chính xác ở thời điểm hiện tại thì cũng sẽ bị cảnh cáo và loại bỏ.
Việc ứng dụng khả năng đánh giá và nhận biết tin tức đã được Facebook dần thử nghiệm từ tháng 3/2020, sau khi nhận thấy có những luồng thông tin sai sự thật được lan truyền về Covid-19. Facebook cũng đã liên hệ và làm việc với một nhóm các cơ quan chính thống về tin tức y tế cộng đồng, từ đó lấy làm nguồn tham khảo chuẩn mực nhất cho các thông tin được đối chiếu.
Tuy nhiên, hiện tại nhiều người vẫn mong chờ Facebook có thêm nhiều biện pháp mạnh tay hơn, hướng vào các đối tượng cố tình điều hướng dư luận một cách sai lệch như nhiều group kín cổ vũ không đeo khẩu trang, không tin vào nỗ lực chống dịch của thế giới.
Hiện tính năng này đã xuất hiện tại Mỹ, chưa rõ thời điểm cập nhật trên toàn thế giới nhưng nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong thời gian sớm nhất.
(Theo Trí Thức Trẻ, TheVerge)
Facebook xóa hàng triệu bài đăng vì thông tin sai về Covid-19
Facebook thông báo đã xóa khoảng 7 triệu bài vì chia sẻ thông tin sai về Covid-19, bao gồm cả nội dung được viết nhằm thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa giả mạo và phóng đại cách chữa bệnh.