Hàng chục năm nay, cứ vào khoảng hơn 3h sáng, rất nhiều chị em đã thức dậy, có mặt tại cảng Cửa Sót (Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) ngồi đợi thuyền về để đội thuê cá lên bờ cho chủ. Những người đàn bà này được các chủ thuyền đặt tên gắn liền công việc là "nữ phu cá".
Bất chấp thời tiết nắng mưa, họ đều có mặt từ rất sớm nơi cảng cá. Vật dụng họ mang theo là những chiếc khay nhựa, rổ tre. Những vật dụng này có ký hiệu tên từng người để tránh thất lạc.
Khi thuyền cá vừa cập cảng, những người phụ nữ như bà Thanh, bà Nhàn, bà Lý... đi chân đất, ập xuống các ghe cá, tôm, mực.. đón cá, tôm từ chủ thuyền, khuân vác hải sản lên bờ để bán lại cho các thương lái. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng họ cho biết, mỗi người chỉ được trả công từ 50.000 - 70.000 đồng hoặc được trả bằng hiện vật là cá, tôm.
Mưu sinh ở cảng Cửa Sót hàng chục năm nay, bà Mai (trú xã Thạch Kim) không nhớ nổi bản thân đã đội bao nhiêu tấn cá trên đầu.
Bà chỉ nhớ: "Mỗi sáng tôi thức dậy từ 3h sáng, đạp xe ra cảng chờ tàu thuyền lên bờ để đội thuê cá từ khoang lên bờ. Những chị em đi đội cá đều có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định nên phải đội thuê cá.
Hơn chục năm nay, công việc này giúp tôi có thêm đồng ra đồng vào. Đội cá sẽ được đổi lại bằng cá, tôm hoặc chúng tôi sẽ được trả công tầm 50.000 đến 70.000 đồng. Công việc tất bật cho tới khi cá tôm trong khoang tàu đã được đưa hết lên bờ".
Trong số những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề đội cá, bà Mai được các chủ thuyền đánh giá là người nhanh nhẹn, tháo vát. Mỗi ngày bà đội được nhiều cá hơn nên thu nhập khá hơn so với đồng nghiệp.
Ở cảng cá này có hàng chục chị em ở độ tuổi từ 45 đến 70, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Hơn 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh (72 tuổi, trú xã Thạch Kim) gắn với nghề "phu cá" ở cảng Cửa Sót. Đều đặn mỗi ngày, bà Thanh thức dậy lúc 3h30, rồi đạp xe ra cảng mưu sinh.
"Công việc khá mệt nhọc, người lúc nào cũng bám mùi hôi tanh của cá. Chúng tôi gắn với nghề đã lâu, dù vất vả nhưng cũng đã thành thói quen. Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi nấng 6 người con, nay các con trưởng thành nhưng tôi vẫn chưa bỏ nghề. Các chị em làm nghề này đều bao bọc, yêu thương và nhường nhịn nhau. Công việc có ngày nhiều, ngày ít việc nhưng ít khi thấy chị em tranh giành việc của nhau", bà Thanh trải lòng.