Hai năm qua, 15 thanh niên với đủ các ngành nghề ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã tập hợp lại thành một nhóm tình nguyện để hỗ trợ người dân gặp sự cố về đêm.
Không phô trương, không “đao to búa lớn” cũng chẳng cần tiếng tăm, đó là những gì mà các “hiệp sĩ đường phố” vẫn thầm lặng cống hiến cho đời.
24h khuya, điện thoại của anh Trần Minh Tuấn (SN 1991) đổ hồi chuông lớn, vừa bấm nghe thì có tiếng một phụ nữ vọng ra: “Anh ơi giúp em với! Em đi làm về dọc đường bị lủng bánh xe, đang ở đường ĐT743 đoạn gần ngã 6 An Phú á anh, giúp em với anh”.
Anh Tuấn là đội trưởng đội SOS tình nguyện An Phú, thường hỗ trợ người dân gặp nạn vào đêm khuya trên địa bàn và khu vực lân cận ở TP Thuận An. Mỗi cuộc gọi như trên, anh em trong đội ngay lập tức xin vị trí để đến hỗ trợ.
Cứ như vậy, nhiều năm qua, 15 thành viên hỗ trợ rất nhiều trường hợp gặp sự cố, gặp nạn trong đêm, được người dân nơi này đặt cho biệt danh “hiệp sĩ đường phố” hay “những người hùng thầm lặng giữa đời thường”.
Anh Tuấn kể, quê ở Kiên Giang, lên Bình Dương sinh sống và làm việc. Trong một lần chạy xe ôm chở khách thì bị lủng bánh xe. Lúc này, anh không biết nhờ ai hỗ trợ khi đêm đã khuya, đường vắng không có người qua lại. Sau đó, anh phải dắt bộ gần chục cây số về nhà trong tình trạng người mệt lả. Từ lần đó, anh nảy sinh ý nghĩ sẽ thành lập một nhóm tình nguyện hỗ trợ những người gặp sự cố như mình khi họ không biết nhờ ai.
Nghĩ là làm, vào năm 2020, anh kêu gọi một số anh em chạy xe ôm, grab, công nhân,… thành lập đội trên. Các thành viên ban ngày vẫn đi làm công việc của mình, tối đến tập trung tại một điểm để thuận tiện cho việc hỗ trợ người gặp nạn.
“Anh em mỗi người một công việc nhưng đều chung tinh thần giúp đỡ người dân, không nghĩ gì đến lợi ích cá nhân. Thậm chí, anh em đi làm còn phải bỏ tiền túi ra để hoạt động, nhưng ai cũng cảm thấy rất thoải mái”, anh Tuấn chia sẻ.
Việc làm thầm lặng
Không chỉ hỗ trợ các trường hợp bị hư hỏng xe giữa đường, nhiều vụ tai nạn giao thông giữa khuya cũng được các thành viên trong đội có mặt kịp thời giúp đỡ. Nếu người gặp nạn bị thương nhẹ sẽ được sơ cứu tại chỗ, nặng hơn được đội đưa đi cấp cứu hoặc gọi xe cứu thương đến khẩn cấp, tránh trường hợp không may xảy ra.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khó khăn cũng được các thành viên quyên góp tiền, ủng hộ vật chất để giúp đỡ dù hoàn cảnh của nhóm cũng còn không ít khó khăn.
Khi được hỏi về “tay nghề” sửa chữa xe cũng như cách sơ cứu cho nạn nhân bị thương, anh Tuấn và các thành viên trong đội cho biết, hầu hết anh em đều là dân “tay ngang” không chuyên, không được học qua trường lớp nào. Tuy nhiên, tham gia giúp đỡ người bằng cái tâm nên anh em tự tìm tòi cách làm, người này chỉ người kia lâu dần thành quen. Cứ như vậy, các thành viên trong đội giờ đây ai cũng thuần thục các thao tác, gặp trường hợp nào sẽ có cách xử lý đó.
Làm tình nguyện là vậy nhưng nhiều lúc đội cũng bị lời ra tiếng vào, một số người không hiểu cho rằng đội “làm tiền”, giúp để lấy phí hoặc nhằm mục đích khác, khiến các thành viên cảm thấy chạnh lòng. Thế nhưng, bằng cái tâm, đến nay việc làm của đội tình nguyện đã được người dân ghi nhận và khen ngợi.
Về tương lai sắp tới, anh Tuấn cho biết, tiếp tục duy trì và mong muốn phát triển mô hình này lớn hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn.
“Mình muốn làm để giúp hết tất cả mọi người, không để ai gặp nạn nhờ tới mà mình không giúp được, như vậy rất áy náy”, anh Tuấn bày tỏ.
Lãnh đạo UBND phường An Phú cho biết, hiện trên địa bàn có một số hội nhóm hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các tình huống giao thông. Hầu hết các hội nhóm hoạt động tự phát nhưng có thông qua cơ quan chức năng.
Thực tế trong thời gian qua, các thành viên trong đội SOS tình nguyện An Phú đã hỗ trợ được rất nhiều trường hợp gặp nạn, sự cố trên đường. Những việc này tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn.