"Tôi cảm thấy tim đập mạnh, chân run, có lúc người như chao đảo vì gió lớn. Vợ chồng tôi cùng các anh em trong đoàn bám víu lấy nhau để vượt qua đoạn đường", chị Dịu kể.

"Porter quay lại một đoạn ngắn cảnh chúng tôi vượt khe núi. Khi về xem lại, tôi vẫn thấy rùng mình. Chúng tôi không lường trước được diễn biến thời tiết", chị nói thêm. 

Khi chị Dịu chia sẻ video trên một nhóm leo núi, nhiều người cho biết: Thời tiết đẹp, chinh phục Ngũ Chỉ Sơn đã rất khó. Trong điều kiện mưa, sương mù, gió lớn như vậy thì càng khó và nguy hiểm. 

Ngày 8/12, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dịu (36 tuổi, kinh doanh du lịch tại Sa Pa) cùng bốn người bạn thân thiết tham gia hành trình chinh phục Ngũ Chỉ Sơn, hay còn gọi là "núi bàn tay", thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa Tam Đường (Lai Châu) và Sa Pa (Lào Cai). 

Các dãy núi đá đẹp hùng vĩ, vách đá dựng đứng đầy thách thức, thảm thực vật phong phú và biển mây "vô thực" thường xuất hiện trên đỉnh núi khiến nơi đây được mệnh danh là đệ nhất hùng sơn Tây Bắc. Nằm ở độ cao 2.850m so với mặt nước biển, Ngũ Chỉ Sơn là đỉnh núi cao thứ 15 của Việt Nam nhưng được đánh giá là cung trekking rất khó.

"Sáng hôm đó, trời âm u, nhiều mây, dự báo có mưa nhỏ. Người porter dẫn đường dày dặn kinh nghiệm đã trao đổi thông tin thời tiết với chúng tôi. Anh ấy cho biết, càng lên cao sẽ càng nhiều sương mù và lạnh, ẩm. Tuy nhiên, 6 anh em đã lên kế hoạch cho chuyến đi trong suốt 2 tháng, có người bay từ TPHCM ra, nên chúng tôi quyết định vẫn lên đường", chị Dịu cho hay. 

"Các thành viên trong đoàn đều có kinh nghiệm leo núi. Trước hành trình, chúng tôi tập những bài bổ trợ cơ, chuẩn bị khá kỹ về sức khỏe vì Ngũ Chỉ Sơn là đỉnh núi khó chinh phục. Bản thân tôi từng leo Fansipan, Lảo Thẩn, Khang Su Văn", chị nói.

leo ngũ chỉ sơn
Đoàn chị Dịu trước khi xuất phát chinh phục Ngũ Chỉ Sơn. Ảnh: NVCC

9h, đoàn có mặt ở bản Suối Thầu 2, nằm cách Sa Pa 25km để gặp gỡ người dẫn đường. Hành trình 3 tiếng đầu qua khu vực đồi trọc, rừng thưa diễn ra khá suôn sẻ. Đoàn ăn trưa giữa rừng già rồi tiếp tục leo, vào tới khu rừng cây gỗ lớn, nhiều dốc cao. "Trời càng lúc càng âm u, nhiều mây, tầm nhìn hạn chế, chúng tôi không quan sát được nhiều cảnh quan khu rừng", chị Dịu nói. Khoảng 15h30, đoàn tới lán nghỉ, nằm ở độ cao khoảng 2.600m so với mực nước biển.

Đỉnh cao nhất trong 5 đỉnh của Ngũ Chỉ Sơn được người dân địa phương mở đường lên vào cuối năm 2017 bằng cách lắp một số cầu thang từ gỗ và dây. Chóp inox trên đỉnh được cắm vào cuối 2018.

6h30 sáng hôm sau, đoàn chị Dịu bắt đầu di chuyển từ lán nghỉ lên đỉnh núi. Mức độ khó của đoạn trekking này vượt xa tưởng tượng của đoàn. Những vách đá dựng đứng "biến mất" trong sương mù dày đặc. Mưa nặng hạt và gió ngày càng lớn khiến chị Dịu cảm thấy như "sắp bay xuống vực". 

Con đường bằng thang gỗ bắc qua mép vực sâu do người dân tự dựng lên vốn đã khó đi, dốc đứng, nay lại trơn trượt. Các thành viên phải cúi thấp, lách người để bò qua từng bậc. 

"Nghĩ lại tôi vẫn thấy quá liều lĩnh và điên rồ. Nhưng lúc đó mấy anh em cứ động viên nhau tiếp tục hành trình, quyết không bỏ cuộc", chị Dịu kể. Một thành viên trong đoàn bị đau khớp gối nhưng may mắn, tình trạng không quá nghiêm trọng. Tới 9h sáng, đoàn tới đỉnh núi. 

Hai tháng cuối năm thường là thời điểm đẹp nhất để đến khám phá Ngũ Chỉ Sơn bởi trời lặng gió, độ ẩm cao, có điều kiện lý tưởng để hình thành biển mây. Tuy nhiên ngày đoàn chị Dịu tới đỉnh núi, bốn bề chỉ có sương mù dày đặc, che lấp mọi cảnh quan.

"Chúng tôi khá tiếc nuối khi không thể gặp cảnh tượng biển mây 'vô thực' hay từ đỉnh núi ngắm nhìn sang Fansipan, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc và Lảo Thẩn. Tuy nhiên, mấy anh em vẫn cảm thấy hạnh phúc khi có chuyến đi thành công, không bỏ cuộc trước khó khăn. Hành trình liều lĩnh nhưng đáng nhớ. Chúng tôi hẹn nhau sẽ quay trở lại Ngũ Chỉ Sơn vào một ngày nắng đẹp", chị Dịu nói.

leo ngũ chỉ sơn
Cả đoàn thành công chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. Ảnh: NVCC

Anh Thào A Chơ, người dân tộc Mông (thôn Sín Chải, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa) là porter dẫn đoàn chị Dịu và cũng là porter dày dặn kinh nghiệm bậc nhất tại Ngũ Chỉ Sơn. Anh Chơ cho biết, từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau là thời điểm lý tưởng leo đỉnh núi này, hiếm khi gặp thời tiết xấu.

"Thời tiết trên các đỉnh núi thường thay đổi thất thường nhưng không mấy khi mưa và gió to như ngày 9/12 vừa qua. Kinh nghiệm đi núi của đồng bào chúng tôi, mùa đông thì rét buốt hơn nhưng không sợ sạt lở, mưa lũ. Để chinh phục đỉnh núi trong thời tiết có mưa, nhiều sương mù, du khách phải có kinh nghiệm, kỹ năng, chuẩn bị tư trang cần thiết", anh Chơ cho hay.

Tuy nhiên, theo anh A Chơ, để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của Ngũ Chỉ Sơn cũng như đảm bảo an toàn, du khách nên tìm hiểu kỹ thời tiết, chọn ngày nắng ráo.