{keywords}
(Ảnh: Shutterstock)

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC cam kết chi 100 tỷ USD trong 3 năm để tăng cường sản xuất silicon wafer hiện đại, vốn được dùng để chế tạo ra hàng loạt loại chip khác nhau.

Tháng 1, công ty thông báo chi phí tài sản cố định sẽ tăng 47% năm 2022, dự định chi từ 40 đến 44 tỷ USD trong năm nay, tăng từ 30 tỷ USD năm 2021.

“Gã khổng lồ” bán dẫn Đài Loan đang xây nhà máy 12 tỷ USD tại Phoenix, Arizona (Mỹ) và một nhà máy khác tại Nhật Bản để tăng công suất. Họ đã có vài nhà máy khác – hay còn gọi là các “fab”.

TSMC không phải nhà sản xuất duy nhất rót hàng tỷ USD vào các nhà máy công nghệ cao. Đối thủ Intel tháng 3/2021 tiết lộ kế hoạch chi 20 tỷ USD cho 2 nhà máy chip mới tại Arizona. Intel đã hiện diện tại đây trong hơn 40 năm và tiểu bang này là quê hương của hệ sinh thái bán dẫn nổi tiếng. Ngoài Intel, các hãng chip khác cũng đang hoạt động tại đây bao gồm On Semiconductor, NXP và Microchip.

Samsung chưa đưa ra kế hoạch chi tiết năm 2022, nhưng tháng trước chia sẻ đã dành 90% chi phí tài sản cố định năm 2021 cho mảng chip.

Theo hãng nghiên cứu Gartner, năm 2021, doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu đã chi 146 tỷ USD để tăng công suất và nghiên cứu. TSMC, Samsung và Intel – ba công ty lớn nhất trong ngành – chiếm 60% trong số 146 tỷ USD.

Trong khi đó, nhà phân tích Peter Hanbury của hãng nghiên cứu Bain, dự đoán chi phí vốn giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng gần gấp đôi giai đoạn 2016-2020. Điều này là vì tính phức tạp ngày một tăng của các công nghệ mới, cần nhiều quy trình xử lý hơn để tạo ra wafer và cần công cụ đắt tiền hơn, cũng như nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chip hiện tại.

Nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn như Nvidia, AMD, Qualcomm không cần chi số tiền lớn như vậy vì họ không tự sản xuất, theo Glenn O’ Donnell, Giám đốc nghiên cứu hãng phân tích Forrester. Họ chỉ thiết kế chip và sau đó giao việc sản xuất cho các nhà thầu như TSMC.

Vài hãng chip kém nổi hơn cũng đang dự định tăng cường chi tiêu trong năm nay. Chẳng hạn, Infineon – nhà sản xuất chip lớn nhất châu Âu – cho biết, sẽ chi thêm 2,4 tỷ EUR để mở rộng hoạt động. ST Micro có kế hoạch đầu tư gấp đôi so với năm 2021, lên 3,6 tỷ USD, để đáp ứng nhu cầu. Khách hàng của họ bao gồm Tesla và Apple.

Trước làn sóng “bơm tiền” này, các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ được hưởng lợi không ít. Đó là ASML, Applied Materials, Air Products, các nhà cung ứng chính cho những nhà máy sản xuất chip.

Bất chấp hàng núi tiền đã được bỏ ra, ngành bán dẫn vẫn chưa thể sản xuất đủ chip. Chip được dùng trong mọi thứ, từ lò vi sóng, máy giặt cho đến tai nghe, hệ thống tên lửa của máy bay chiến đấu. Nhiều sản phẩm như xe hơi chứa hàng chục loại chip khác nhau.

Một số người lo ngại tình trạng dư thừa chip sẽ xảy ra một khi tất cả fab mới đi vào hoạt động, song ông O’Donnell không nghĩ vậy. “Cuộc đua của nhân loại gắn với công nghệ. Nhu cầu còn tiếp tục tăng, không giảm. Thực tế, tôi hoài nghi những khoản đầu tư này đã đủ chưa”.

Du Lam (Theo CNBC)

Jensen Huang: Thủ lĩnh gốc Á của hãng chip lớn nhất nước Mỹ

Jensen Huang: Thủ lĩnh gốc Á của hãng chip lớn nhất nước Mỹ

“Làm CEO Nvidia là một đặc quyền, đó là cơ hội có một trong đời”, ông Jensen Huang đã nói như vậy về công việc của mình tại Nvidia. Song, Nvidia cũng vô cùng may mắn khi được ông Huang làm thủ lĩnh.