Apple hứa hẹn sẽ đảm bảo những sản phẩm của mình và chuỗi cung ứng cho chúng trung tính với carbon trước năm 2030. Tuyên bố này gây nhiều bất ngờ khi mà sẽ tốn rất nhiều công sức để thực hiện trong vỏn vẹn chưa tới 10 năm, nhất là với một công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động khai khoáng cũng như có những sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng.
Như là một phần của cam kết, gã khổng lồ công nghệ đang góp phần vào việc phát triển một quy trình nấu chảy nhôm không carbon trực tiếp đầu tiên trên thế giới. Nếu bạn chưa biết, thì việc sản xuất nhôm hàng năm tạo ra khoảng 1% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới: khoảng 400 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Nếu Apple thực sự tìm ra một quy trình nung chảy nhôm mà thải ra oxi thay vì khí nhà kính, họ sẽ thay đổi mức độ phát thải carbon của không chỉ những thiết bị công nghệ mà còn cả những ngành như xây dựng và giao thông. Thế nhưng đây vẫn chỉ là một chữ "nếu" to đùng, và Apple chưa công bố chính xác kế hoạch đạt trung tính carbon với quy trình sản xuất nhôm mới, kể cả trong mảng khai khoáng lẫn trong tinh chế.
Apple đang hỗ trợ một quy trình sản xuất nhôm thải ra oxi thay vì khí nhà kính
Thông báo của Apple hồi cuối tháng 7 là lần gần nhất Apple thể hiện mục tiêu làm sạch chuỗi cung ứng và mức độ sử dụng năng lượng của mình. Hồi năm 2018, công ty này công bố việc sử dụng 100% nhôm tái chế và khẳng định khả năng làm mới của sản phẩm là 100%. Tuy nhiên, khi mà Apple vẫn đang bán hàng trăm triệu sản phẩm mà gần như không thể sửa chữa, nhìn tổng quan thì họ vẫn đang làm tổn hại đến Trái Đất: họ vẫn đang ngày càng sản xuất nhiều thiết bị hơn.
Thế nên, phương pháp sản xuất nhôm này sẽ thực sự mang tính cách mạng nếu Apple thành công, bởi riêng việc sản xuất nhôm đã chiếm tới khoảng 25% lượng chất thải carbon của họ. Gã khổng lồ công nghệ đang làm việc với 2 trong số những nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới, Alcoa và Rio Tinto, dưới dạng một liên minh gọi là Elysis, nơi mà mọi người đều được chào đón nếu quan tâm đến việc nghiên cứu và tạo ra loại nhôm không carbon. Họ bắt đầu cộng tác vào khoảng năm 2018, với mục tiêu thành công phát triển công nghệ này vào năm 2024, hoàn toàn hợp lý với mục tiêu trung tính carbon vào năm 2030 của Apple.
Nếu bạn chưa quen thuộc với quy trình sản xuất nhôm, thì về cơ bản sẽ như sau:
Nhôm đến từ quặng bauxite. Các nhà sản xuất sử dụng điện để phân giải những quặng đá này trở thành nhôm. Quy trình này sẽ bao gồm việc sử dụng anode (điện cực âm) carbon, về cơ bản là những khối than có khả năng cho dòng điện chạy qua. Quá trình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng, và hệ quả tất yếu là thải ra rất nhiều khí nhà kính, bao gồm cả perfluorocarbon, một loại khí nhà kính còn độc hại hơn cả carbon dioxide quen thuộc; và tất nhiên là cũng có những loại khí như carbon dioxide hay sulfur dioxide bị thải ra môi trường. Tóm lại thì, việc sản xuất nhôm gây ảnh hưởng xấu tới hành tinh của chúng ta cũng như sức khỏe cộng đồng nói chung, đó là chưa nhắc tới những lo ngại về nhân quyền xung quanh việc khai thác quặng bauxite.
Thế nên nếu “Apple và những người bạn” tìm ra cách để biến chuyển một phần của quy trình sản xuất này, thì viễn cảnh sẽ thực sự rất tuyệt vời. Elysis đã và đang sản xuất thứ được gọi là kim loại không carbon này ở trung tâm Pittsburgh của họ từ năm 2009. Nhóm này đang cố gắng để tăng quy mô sản xuất của công nghệ này để có thể đáp ứng được yêu cầu từ những ông lớn như Apple.
Sản phẩm nhôm từ Elysis hiện tại vẫn đang gây nhiều tranh cãi
Dù sao, Apple và Elysis cũng khá kín tiếng về quy trình này cũng như cách đánh giá ảnh hưởng môi trường và những khẳng định về sản xuất không carbon. Elysis không cung cấp nhiều thông tin về việc bằng cách nào quy trình mới của họ lại phát thải khí oxi thay vì khí nhà kính, chỉ ghi chú rằng họ sẽ thay thế việc sử dụng anode carbon trong quá trình nung chảy nhôm. Họ không chia sẻ bất cứ thông tin nào về việc cái gì sẽ thay thế những khối carbon này cũng như quy trình mới hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, công bằng mà nói, họ làm thế cũng để giữ bí mật về nghiên cứu cũng như một số thông tin độc quyền khác.
Dù thế nào, công ty này vẫn gọi quá trình luyện quặng này là “không carbon”. Điều này không có nghĩ là toàn bộ quy trình sản xuất loại nhôm Apple sử dụng sẽ “không carbon” cho dù họ sẽ phải “trung tính carbon” trước năm 2030. Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Inamori thuộc Đại học Alfred, bà Gabrielle Gaustad cho rằng điều đó sẽ trở thành vấn đề. Theo bà thì quy trình mới này sẽ là “một bước tiến lớn về công nghệ”, nhưng theo bà thì gọi nó là “không carbon” thì có phần “đánh lạc hướng”. “Vấn đề của việc gọi loại nhôm này là 'không carbon' đó là họ không hề chịu trách nhiệm cho những quy trình khác ở trong chuỗi cung ứng”.
Cả Elysis và Apple đều không trả lời khi được hỏi kĩ hơn về dự án này. Đại diện Apple khi được hỏi đã gửi lại một phần báo cáo về môi trường của hãng trong đó nêu bật lên những gì họ làm để khiến chuỗi cung của mình trở nên trung tính carbon. Apple cũng chỉ ra rằng họ đã bớt phụ thuộc vào nhôm cũng như đã tái chế nhôm cho các sản phẩm của mình.
Thật tuyệt vời khi thấy những công ty lớn tìm cách chiến đấu với các vấn đề môi trường cũng như biến đổi khí hậu, nhưng bạn biết điều gì sẽ còn tuyệt vời hơn không? Đó là nếu như họ minh bạch hơn trong những thứ họ đang nghiên cứu. Và sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu như ban đầu họ không tạo ra một hệ thống lỗi thời, tước đi quyền sửa thiết bị của mọi người, và trực tiếp khiến cho việc tiêu thụ nhiều hơn. Nếu chúng ta sản xuất và tiêu thụ ít hơn, thì tất nhiên sẽ giảm đi đáng kể tác động đến môi trường.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc, Gizmodo)
iPhone 12 được làm bằng nhôm siêu bền chuyên dụng cho ngành hàng không
Các mẫu iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max dự kiến sẽ mở ra viền thân máy phẳng hơn, mang đến cho người dùng cảm giác "sảng khoái".