Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực mà cùng thế mạnh như: Giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; đặc biệt là hợp tác kinh tế- thương mại để tạo thêm xung lực phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương.
Với lãnh đạo các nước châu Âu, Thủ tướng đề nghị sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các nước châu Âu ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Những đề nghị của Thủ tướng đều được lãnh đạo các nước hoan nghênh và đưa ra cam kết hợp tác để đôi bên cùng phát triển.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là ở cấp cao và tiếp tục tạo đột phá về thương mại - đầu tư để quan hệ hai nước phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi nước.
Đồng thời, hai bên cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bền vững đồng bằng sông Cửu Long và sông Danube.
Tổng thống Klaus Iohannis vui mừng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại.
Tổng thống khẳng định, Rumani sẽ nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác mọi mặt với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân để tương xứng với đà phát triển quan hệ hai nước.
Gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Ba Lan, một đối tác ưu tiên tại Trung Đông Âu.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai bên mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực và mong muốn Chính phủ Ba Lan sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt tại Ba Lan sinh sống, làm việc ổn định, hòa nhập tốt với sở tại.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác, trong đó các lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, công nghệ thông tin, y tế, dược phẩm, nông nghiệp. Ông bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tích cực ủng hộ doanh nghiệp Ba Lan đầu tư tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Slovenia, một trong những đối tác ưu tiên của Việt Nam tại châu Âu.
Tổng thống Slovenia ghi nhận tích cực các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính và khẳng định Slovenia luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á.
Slovenia sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực tiềm năng như lao động, khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên nước, dược phẩm, bảo vệ môi trường.
Gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất hai nước thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao nhằm tạo đà đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư để tạo thêm xung lực phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương và mong muốn mở rộng xuất khẩu nông sản, da giầy, dệt may và các sản phẩm hàng hóa khác của Việt Nam sang thị trường Phần Lan.
Tổng thống Phần Lan đánh giá cao sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đi vào thực hiện.
Tổng thống Sauli Niinisto mong muốn hai nước sẽ không chỉ tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương mà còn cùng nhau làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác với ASEAN, EU và giữa ASEAN và EU.
Tại cuộc gặp Bí thư thứ nhất - Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình của Cuba đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Việt Nam luôn coi trọng, gìn giữ và quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba, sát cánh ủng hộ sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba.
Thủ tướng khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam không ủng hộ và yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương đối với Cuba.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, hai bên cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, đưa quan hệ kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định quan hệ Cuba - Việt Nam là biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí, tình hữu nghị gắn bó, được Chủ tịch Fidel Castro, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp qua nhiều thời kỳ.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định sẽ chỉ đạo cho các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, nhất là hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Thái Lan là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong khu vực.
Thủ tướng đề nghị mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên, phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại 25 tỷ USD theo hướng cân bằng, cùng có lợi.
Việt Nam - Thái Lan tăng cường hợp tác giáo dục – đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân; tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nhất trí với các ý kiến và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính và bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối hạ tầng và địa phương. Trong đó, Việt Nam xem xét mở thêm các đường bay thẳng tới Thái Lan.
Thủ tướng mời tỷ phú Bill Gates thăm lại Việt Nam, đề nghị ông ủng hộ và hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như truyền cảm hứng, tạo động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Việt Nam là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Mỹ và hiện Mỹ hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.
Bà Aurélia Nguyễn là người thường xuyên điện đàm, trao đổi thư với lãnh đạo cấp cao Việt Nam để COVAX hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam hơn 70 triệu liều vắc xin phòng chống Covid-19, vượt xa con số 38,9 triệu liều mà COVAX cam kết dành cho Việt Nam.
Văn Điệp và nhóm PV, BTV