Đã gần 23h, tuyết rơi không ngừng trên những con phố chật hẹp ở De Wallen.

Hai thanh niên mặc áo hoodie tiến tới một trong những cửa sổ dài từ trần đến sàn ở khu phố đèn đỏ nổi tiếng nhất thế giới tại Amsterdam.

Trong ánh sáng đỏ sau khung cửa kính là 3 người phụ nữ chỉ mặc đồ lót ren. Một người thờ ơ chơi điện thoại, không buồn ngước lên nhìn những người đàn ông bên ngoài. Một người khác tô son môi.

Người thứ ba lắc lư nhẹ nhàng từ bên này sang bên kia, nhìn ra ngoài với nụ cười cố định. Từ bên ngoài, những người đàn ông đang trố mắt nhìn, có người đáp lại lời mời gọi của các cô gái.

den do.jpg
Phố đèn đỏ đông đúc hơn vào buổi tối

Kiếm được tiền nhưng cũng nhiều nước mắt

De Wallen là nơi mại dâm hoàn toàn hợp pháp và "cô gái trong ô cửa sổ" chấp nhận thẻ tín dụng. Họ có thể kiếm được tới 434 USD trong một ngày bận rộn.

Brenda, 57 tuổi, chia sẻ rằng cô bỏ việc y tá để trở thành gái mại dâm cách đây 8 năm. Cô là một trong những người được cấp phép hoạt động theo số liệu hiển thị trong bảo tàng về phố đèn đỏ. Mức giá khởi điểm cho khách hàng của cô là 162 USD/giờ.

Cô chia sẻ rằng trong suốt nhiều năm làm việc có rất nhiều khách hàng khiến cô ngạc nhiên. Một số khách hàng muốn xây dựng mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Họ trả tiền để được hẹn hò với cô. Tuy nhiên, có người chỉ muốn đi hẹn hò ở một số địa điểm khác lạ ví dụ như sở thú.  

Melissa Heuft, 54 tuổi, làm nghề mại dâm ở phố đèn đỏ được 5 năm. Trước đây, cô cũng từng là y tá. Cô chia sẻ rằng đây là nơi làm việc an toàn nhất cô từng biết. Xung quanh khu phố có rất nhiều camera giám sát. Chỉ cần cô ấn nút báo động, người quản lý sẽ có mặt và nếu cần anh sẽ gọi cảnh sát.

"Tôi làm việc này không phải vì tiền hay đó là lựa chọn duy nhất của tôi. Tôi làm vì tôi thích như vậy", cô chia sẻ.

dendo1.png
Melissa Heuft đã hành nghề mại dâm được 5 năm ở De Wallen 

Hai cụ bà song sinh Louise và Martine Fokken đã hành nghề bán dâm tại phố đèn đỏ ở Amsterdam, Hà Lan trong hơn 50 năm. Vì chứng viêm khớp nên cụ Louise giải nghệ năm 2010.

Khi được hỏi liệu họ có nhiều nụ cười hơn hay nước mắt khi nhìn lại cuộc đời của chính mình tại Amsterdam, cả 2 đều có chung một quan điểm là cười nhiều hơn.

"Bạn phải mỉm cười ngay cả những lúc tâm trạng tệ hại nhất, bởi vì đó chính là cuộc sống của bạn và bạn không thể thay đổi được điều đó. Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn mỉm cười", bà chia sẻ.

Đằng sau nụ cười của 2 bà là đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn. Bà Louise bị chồng ép đi "làm gái" để kiếm tiền, con bà phải cho đi làm con nuôi.

Bà cho biết nếu chỉ nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ thì không đủ sống. Bà cũng chẳng biết sẽ phải làm gì. "Nếu như không làm nghề này thì chúng tôi biết làm gì nào? Đó là cuộc sống của chúng tôi rồi", bà cho biết.

Mại dâm là một nghề hợp pháp ở Hà Lan. Gái mại dâm được hưởng lợi ích về y tế, được cấp phép hoạt động. Song những năm gần đây, một số quan chức chính phủ cho rằng ngành công nghiệp tình dục đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Bạo lực và nạn buôn người đang gia tăng.

Cuộc sống của những cô gái làm nghề mại dâm ở đây gặp nguy hiểm. Angelica đã trải qua 5 năm đau khổ khi sống bên trong ô cửa sổ ở De Wallen. Cô biến đổi từ một cô học sinh Romania đầy hoài bão thành người phụ nữ ở phố đèn đỏ.

Đó không phải là sự lựa chọn của cô. Khi mới 17 tuổi, cô bị người đàn ông mà cô coi là bạn trai dụ đến London (Anh). Anh ta nói đưa cô đến làm nhà tạo mẫu tóc, lương cao và cô đồng ý.

Nhưng cô không biết rằng đầu bên kia của chuyến bay EasyJet, một nam khách hàng sẵn lòng trả tiền để có được cô. Chẳng bao lâu sau, cô được đưa đến De Wallen, theo Nzherald.

"Tôi đã khóc rất nhiều vì họ trông thật kinh khủng", cô nói. Angelica làm việc theo ca 12 tiếng, đôi khi ngủ luôn trong nhà thổ. Cô luôn tìm cách chạy trốn và cuối cùng được cảnh sát giải cứu, đưa trở về gia đình ở Romania.

dendo2.png
Hai vợ chồng Justus Dolleman 

Dân địa phương phải học võ để tự vệ

De Wallen không phải là nơi chỉ có nhà thổ, gái mại dâm, quán bar ồn ào, xung quanh đó có những khu dân cư của người dân địa phương.

Khu vực này thường xuyên xuất hiện nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước, ồn ào, hoạt động suốt ngày đêm. Người dân địa phương chia sẻ rằng họ có cách riêng để đối phó với tiếng ồn quá mức hay những khách du lịch ngỗ ngược.

Martine Groen, 70 tuổi, bắt đầu sống ở phố đèn đỏ De Wallen từ năm 1979. "Tôi cùng 5 người khác đã chuyển tới một tòa nhà lớn xây dựng từ năm 1450, bên cạnh kênh Oudezijds Achterburgwal. Lúc đầu, đó là bãi rác nhưng chúng tôi cùng nhau dọn sạch. Khi ấy, khu phố này rất nguy hiểm, đầy rẫy con nghiện và những kẻ buôn bán ma túy", Groen chia sẻ.

Để bảo vệ bản thân, tránh những phiền toái, cư dân trong khu phố, kể cả trẻ em, đều đi học võ karate. Bắt đầu từ 6 năm trước, cư dân trong khu phố phải chịu đựng nhiều phiền toái hơn vì những đoàn du khách ồn ào. Martine Groen cho biết khách du lịch đến ngày càng đông, ban đêm các con phố chật cứng người. Bà không thích những khách người Anh say xỉn, hay gây rối và rất ồn ào. 

Tuy nhiên, bà chưa từng nghĩ sẽ chuyển đi. "Tôi yêu nơi này. Tôi yêu ngôi nhà của mình và cảm thấy thân thuộc với mọi thứ ở đây", bà nói.

Willemijn Tybout , 41 tuổi và Justus Dolleman, 52 tuổi, sống ở đây từ khi còn là sinh viên. Họ cho biết có sự đoàn kết mạnh mẽ giữa những người dân địa phương, theo CNN.

Justus nói: "Tôi đã cố gắng sống ở những khu vực khác của Amsterdam trong khoảng 2 năm, nhưng quá nhàm chán. Tôi quyết định quay trở lại De Wallen. Tôi không gặp bất cứ bất tiện nào. Xe đạp của tôi không bao giờ bị đánh cắp. Hàng xóm chúng tôi tương tác với nhau rất nhiều. Chúng tôi ăn tối cùng nhau, gặp nhau hầu như hàng ngày, giống như sống trong một ngôi làng nhỏ với tinh thần đoàn kết cao độ".