Báo cáo về lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sau 8 tháng đầu năm của Savills cho biết 191 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký là 3,3 tỷ USD. Trong đó, 65% giá trị FDI tập trung ở khu vực miền Bắc, 32% nằm ở phía Nam.
Tính theo giá trị, dự án Lego có tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD là khoản đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong năm nay. Xếp phía sau là dự án hóa chất của nhà đầu tư Trina Solar từ Singapore với vốn đăng ký 275 triệu USD tại Thái Nguyên. Hai nhà đầu tư FDI khác công bố những dự án có giá trị hơn 100 triệu USD gồm Libra International Investment (210 triệu USD) tại Tây Ninh và Coca-Cola (136 triệu USD) tại Long An.
Với việc Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên gia của Savills nhận định bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là một thị trường tiềm năng.
Tại vùng công nghiệp trọng điểm phía Bắc, nguồn cung khu công nghiệp hiện đạt mức 11.000ha. Tỷ lệ lấp đầy đến nay khoảng 83% và chỉ còn trống khoảng 2.000ha. Riêng tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp lên tới 96%.
Còn ở phía Nam, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai còn rất ít diện tích trống đất công nghiệp. Trong khi đó, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo sẽ là điểm đến đầu tư thay thế nhờ nguồn cung tốt. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại vùng trọng điểm phía Nam hiện đạt 84%.
Theo ông Cambpell, các ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho các công ty công nghệ cao là động lực thúc đẩy các tập đoàn lớn như Intel và Jabu gia nhập thị trường Việt Nam. Trong Đông Nam Á, không có quốc gia nào tham gia nhiều FTA như Việt Nam. Điều này giúp tạo được niềm tin cho các nhà sản xuất có giá trị gia tăng cao trên toàn cầu. Việt Nam cũng sở hữu lực lượng lao động trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập cao hơn.
Trong báo cáo nhận định được đưa ra vào giữa tháng 9, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng cho rằng nhiều thông tin gần đây từ Samsung, Apple cho thấy các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới. Samsung đã thông báo sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn và Apple cũng sẽ sản xuất Apple Watch và Macbook tại Việt Nam.
Những động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp thành lập nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam bao gồm lực lượng lao động có kỹ năng cao, mặt bằng lương thấp và vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng công nghệ cao ở châu Á. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây đã thúc đẩy sự dịch chuyển năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo một nghiên cứu của Trường Kinh tế London và Ngân hàng Thế giới, FDI là công cụ để "giúp các nền kinh tế đang phát triển tiến vào các phần có giá trị gia tăng cao hơn của chuỗi giá trị". Theo ông Kokalari, làn sóng đầu tư FDI mới vào hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ phức tạp tại Việt Nam sẽ tạo ra "hiệu ứng lan tỏa" khiến các nhà sản xuất trong nước phải đa dạng hóa sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị.
(Theo Dân Trí)