Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Bàu Bàng thu hút được 14 dự án đăng ký mới và 3 dự án đăng ký tăng thêm vốn là 26 triệu USD, nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay là 1.257. Trong đó, đầu tư trong nước là 1.042 dự án với tổng vốn đăng ký 40.450 tỷ 880 triệu đồng; đầu tư nước ngoài là 215 dự án với tổng vốn đăng ký 4 tỷ 646,8 triệu USD.
Còn theo số liệu thống kê lũy kế đến hết tháng 5/2022 từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng FDI trên địa bàn huyện Bàu Bàng cũng cao hơn 43 tỉnh trên cả nước.
Cụ thể, vốn FDI vào huyện Bàu Bàng lớn hơn nhiều tỉnh, thành top đầu như: Bạc Liêu (4,551 tỷ USD), Khánh Hòa (4,395 tỷ USD), Thừa Thiên - Huế (4,066 tỷ USD), Bình Phước (3,845 tỷ USD), Bình Thuận (3,835 tỷ USD), Nam Định (3,673 tỷ USD), Tiền Giang (2,909 tỷ USD), Cần Thơ (2,054 tỷ USD), Phú Yên (2,035 tỷ USD), Quảng Ngãi (2,031 tỷ USD)…
Vốn FDI đầu tư vào huyện Bàu Bàng cũng lớn hơn tổng vốn FDI vào 19 tỉnh khác là: Đăk Lăk, Lào Cai, Lâm Đồng, Yên Bái, Sóc Trăng, Đăk Nông, An Giang, Kon Tum, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Cà Mau, Sơn La, Gia Lai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Tổng cộng vốn FDI đầu tư vào 19 tỉnh này là 4,492 tỷ USD.
Huyện Bàu Bàng ngày càng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn. Có thể kể đến Tập đoàn Kolon Industries triển khai dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD ở khu đất gần 42ha; Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) dự định đầu tư tại KCN Bàu Bàng với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, còn hàng loạt dự án của các nhà đầu tư, tập đoàn tại huyện Bàu Bàng như Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư 179 triệu USD, Lacouer Craft Việt Nam đầu tư 98 triệu USD, Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD…
Theo đánh giá, huyện Bàu Bàng thu hút được nhiều dự án và nguồn vốn đầu tư nước ngoài ấn tượng như vậy là nhờ chủ trương dịch chuyển các khu công nghiệp về phía bắc tỉnh Bình Dương, quy hoạch diện tích khu công nghiệp tăng mạnh. Qua 8 năm tách ra từ huyện Bến Cát (cũ), huyện Bàu Bàng đã từng bước “thay da đổi thịt”. Từ một vùng đất thuần nông, huyện Bàu Bàng đã vươn lên trở thành một địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Đến năm 2020, diện tích khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Bàu Bàng là trên 1.092 ha. Theo quy hoạch, đến năm 2030, huyện Bàu Bàng sẽ có thêm 10 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất là 6.796,80 ha, chiếm 50% tổng diện tích khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại.
Với quy hoạch diện tích khu công nghiệp tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, huyện Bàu Bàng đang trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ 1/1-20/5/2022, vốn đăng ký cấp mới đạt 4,116 tỷ USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ. Mặc dù nguồn vốn đăng ký mới giảm nhưng vốn đăng ký tăng thêm và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh, lần lượt tăng 45,4% và 51,6%. Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam vẫn tăng lên.
Nhờ vậy, tổng vốn FDI (đăng ký cấp mới, đăng ký tăng thêm và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài) trong 5 tháng đầu năm 2022 đã đạt 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,957 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 2,06 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đan Mạch đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,32 tỷ USD, chiếm trên 11% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bình Dương là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,52 tỷ USD. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,65 tỷ USD. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,323 tỷ USD.
Bất chấp tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, châu Á vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI.