Trong 6 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số tại thành phố Cần Thơ tiếp tục có sự lan tỏa mạnh ở các cấp, các ngành, các địa phương. Các ứng dụng nền tảng số phục vụ đời sống xã hội, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Vừa qua, Bộ TT&TT công bố đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022, trong đó thành phố Cần Thơ lần đầu tiên lọt vào top 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố Cần Thơ xung quanh những thuận lợi, khó khăn trong việc chuyển đổi số.
Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, bộ, ngành năm 2022, trong đó thành phố Cần Thơ lần đầu tiên vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu. Vậy thành phố Cần Thơ đã làm gì để vươn lên nhóm 5 địa phương dẫn đầu?
Năm 2023 là năm thứ 3 Bộ TT&TT đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
DTI 2022 của thành phố Cần Thơ có giá trị 0,6924, tăng trưởng giá trị 20,8% so với DTI 2021 (0,794), xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2021 (xếp hạng 15).
Trong đó, 3 trụ cột là chính quyền số xếp hạng 5 (tăng 16 bậc so với xếp hạng 21 của năm 2021 ), kinh tế số xếp hạng 2 (tăng 9 bậc so với xếp hạng 11 của năm 2021), xã hội số xếp hạng 5 (tăng 8 bậc so với xếp hạng 13 của năm 2021).
Thành phố Cần Thơ đã có chuyên trang về chuyển đổi số, với tần suất ít nhất 1 tin, bài/tuần nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về hoạt động chuyển đổi số ở thành phố.
Chuyên mục “Chuyển đổi số” trên Cổng thông tin điện tử thành phố được cập nhật tin, bài thường xuyên. Đồng thời, thành phố có kênh Chuyển đổi số Cần Thơ trên Youtube, thường xuyên đăng tải các video clip hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến...
Cần Thơ đã huy động treo băng rôn tuyên truyền tại trụ sở cơ quan nhà nước, trên các tuyến đường chính; website của địa phương, Zalo, Facebook cá nhân, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; tuyên truyền trên đài truyền thanh và tuyên truyền lưu động về chuyển đổi số của thành phố.
Đồng thời, thành phố đã tổ chức cuộc thi “Đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2023” với hơn 550 lãnh đạo các đơn vị thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND cấp thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn tham gia.
Thành phố cũng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm về chuyển đổi như: Phụ nữ chuyển đổi số, thanh niên chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, tiền năng nhân lực chuyển đổi số, chuyển đổi số trong du lịch.... Một số quận, huyện cũng tổ chức các hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho ngành, địa phương mình.
Cần Thơ về cơ bản đã hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số như: Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số thành phố đến năm 2025; Kế hoạch 5 năm của UBND thành phố về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số; thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; Tổ Công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực để triển khai thực hiện.
Đồng thời, Cần Thơ ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số của thành phố cho 3 cấp (cấp sở, cấp huyện, cấp xã); ban hành quyết định về giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến với từng ngành và địa phương; ban hành các kế hoạch trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số địa phương (y tế, giáo dục, thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch…).
Lĩnh vực đảm bảo An toàn thông tin mạng được quan tâm và chú trọng. Thành phố đã phê duyệt 54/57 hồ sơ đề xuất an toàn hệ thống thông tin; triển khai thí điểm Trung tâm điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC); nâng cấp các thiết bị an toàn thông tin tại Trung tâm dữ liệu, triển khai thuê dịch vụ phòng, chống mã độc tập trung cho máy chủ, máy trạm của tất cả các cơ quan nhà nước.
Thực hiện kết nối chia sẻ thông tin mã độc hại với Trung tâm Giám sát không gian mạng Quốc gia và thực hiện chia sẻ thông tin giám sát ATTTM với Trung tâm Giám sát không gian mạng Quốc gia.
Thành phố Cần Thơ đã có Quyết định số 1424 ngày 8/4/2022 về việc kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước và các sở ban ngành; UBND quận, huyện xây dựng quy chế theo các quy định về an toàn thông tin mạng, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của thành phố đã ban hành.
Hạ tầng an toàn thông tin tại Trung tâm dữ liệu thành phố cơ bản được đầu tư thiết bị chuyên dụng đảm bảo công tác ATTTM cho các ứng dụng dùng chung. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp khắc phục lỗ hổng bảo mật an ninh an toàn thông tin mạng, thực hiện rà soát nâng cấp trang thiết bị cần thiết đáp ứng nhu cầu phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố đã được chú trọng đầu tư, phát triển, thúc đẩy phát triển băng rộng cáp quang. Đến nay, có trên 79% hộ gia đình có kết nối mạng cáp quang, trên 85% người dân trưởng thành có thiết bị di động thông minh, phủ sóng thông tin di động và thông tin di động băng rộng (3G, 4G), thí điểm mạng di động 5G đến 100% địa bàn dân cư, đã hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường, các trường học, cơ sở y tế.
Trung tâm dữ liệu thành phố triển khai theo hình thức điện toán đám mây, đảm bảo duy trì ổn định, an toàn, phục vụ cho việc vận hành các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn thành phố.
Về nhân lực số, UBND thành phố đã ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung triển khai các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân trong khai thác dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số của cơ quan nhà nước”.
Trong các cơ quan nhà nước, hầu hết cơ quan cấp thành phố có công chức, viên chức chuyên trách, phụ trách về CNTT, nhân lực chuyên trách, phụ trách tại cấp huyện chủ yếu là Phòng VHTT, Văn phòng UBND và HĐND; cấp xã chủ yếu công chức Văn phòng - Thống kê được giao kiêm nhiệm về CNTT, chuyển đổi số.
Đối với phát triển Chính quyền số, thành phố Cần Thơ có một số nền tảng số, cơ sơ dữ liệu dùng chung được triển khai như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kho dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước thành phố, kho quản lý dữ liệu số của tổ chức, cá nhân, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cổng dữ liệu thành phố, hệ thống quản lý văn bản và điều hành nền tảng trợ lý ảo nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến…
Về phát triển Kinh tế số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thành lập Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ với diện tích 20ha”. Thành phố Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 895/QĐ-TTg và ban hành quyết định phê duyệt danh mục ngành, nghề ưu tiên đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin tập trung.
Triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, thành phố đẩy mạnh triển khai dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt: như thanh toán tiền điện, tiền nước, thanh toán học phí, viện phí, các dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch; triển khai ứng dụng số di động “Can Tho Smart” tích hợp các dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo tập huấn bồi dưỡng và hướng dẫn, tuyên truyền, phổ hiến cho người lao động với hơn 232.450 người.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, thành phố Cần Thơ đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách được lãnh đạo thành phố, các cấp các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản thúc đẩy chuyển đổi số, các Sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại tất cả các ấp, khu vực trên toàn địa bàn thành phố.
Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc triển khai chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước gắn kết chặt chẽ với công tác cải cách hành chính, được lãnh đạo thường xuyên quan tâm chỉ đạo kịp thời.
Các hệ thống dùng chung như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tổng đài 1022 tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người dân mang lại hiệu quả bước đầu, giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt được đẩy mạnh với việc thanh toán tiền điện, tiền nước, thanh toán học phí, viện phí… Các dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch cũng từng bước phát triển…
Tuy nhiên, thành phố Cần Thơ cũng gặp khó khăn khi nguồn nhân lực quản lý, triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã.
Sự tham gia của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là việc sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến; người dân, doanh nghiệp chưa thay đổi thói quen, cách làm truyền thống. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được các cơ quan đơn vị quan tâm đúng mức, điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận người dân vùng nông thôn còn hạn chế.
Hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị đã xuống cấp chưa được thay thế kịp thời, hạ tầng mạng vận hành tính ổn định chưa cao, còn nguy cơ, rủi ro về an toàn, an ninh mạng.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia thường xuyên lỗi kết nối với các ngân hàng, ảnh hưởng đến việc thanh toán trực tuyến của cá nhân, tổ chức.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu bộ ngành, nền tảng số dùng chung triển khai còn chậm, còn tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa dữ liệu chia sẻ dữ liệu giữa bộ, ngành trung ương và địa phương.
Điểm mạnh nhất trong chuyển đổi số ở thành phố Cần Thơ trong thời gian qua là gì, thưa ông?
Đó là ban hành đầy đủ khung pháp lý thực hiện chuyển đổi số. Thành phố lấy người dân làm trung tâm, tích cực phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân. An toàn thông tin mạng của Cần Thơ là điểm mạnh của thành phố với chỉ số 0,7226, xếp thứ 2 cả nước.
Một điểm mạnh khác là xây dựng các nền tảng số để tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh, thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức.