9h sáng, các VĐV đội tuyển wushu Việt Nam bước vào buổi tập tại Trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Trịnh Hoài Đức (Hà Nội). Đây vốn là nơi sản sinh ra rất nhiều tên tuổi của wushu Việt Nam như Thúy Hiền, Trà My, Mai Phương, Thùy Linh, Thúy Vi...
Những ngày này, bầu không khí tập luyện tại Trung tâm hối hả hơn bởi SEA Games chỉ còn tính bằng ngày. Các võ sĩ khởi động kỹ với những động tác đặc thù của môn võ biểu diễn.
Những cô gái xinh đẹp của tuyển wushu Việt Nam "khai vị" bằng món tạ. Tất cả phải khởi động trong khoảng 1 tiếng đồng hồ để làm nóng cơ thể, tránh nguy cơ xảy ra chấn thương.
Động tác uốn dẻo, giữ thăng bằng một chân của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Hiền. Tại SEA Games 32, "tân binh" của đội tuyển wushu Việt Nam tranh tài ở nội dung thương và kiếm thuật.
Gương mặt trở nên quen thuộc qua các kỳ SEA Games, Asiad, vô địch thế giới Dương Thúy Vi. Tại SEA Games 31, Thúy Vi "mở hàng" HCV cho đội tuyển wushu Việt Nam trước khi lập cú đúp vàng, đóng góp một nửa số HCV ở nội dung biểu diễn.
Tại SEA Games 32, Campuchia cắt giảm nhiều nội dung của wushu (biểu diễn và tán thủ). Tuyển wushu đăng ký tham dự với 14 VĐV.
Các VĐV đang phải chạy đua với thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32.
"Năm nay đội tuyển wushu có nhiều gương mặt mới. So với kỳ SEA Games trước, SEA Games lần này có nhiều thay đổi về cách tính điểm. Cụ thể, chỉ có nội dung Trường quyền và Nam quyền là đơn môn, còn lại các nội dung phải cộng lại để tính huy chương. Vì thế, số lượng huy chương giảm 1/3, nên ảnh hưởng tới chỉ tiêu của đội", HLV trưởng tuyển wushu Việt Nam Nguyễn Văn Chương cho biết.
Dương Thúy Vi là một trong những VĐV gánh trọng trách giành HCV cho tuyển wushu Việt Nam. Nhà vô địch Asiad vẫn chưa tính tới chuyện giải nghệ dù đã có tuổi. Thúy Vi cho biết, khi nào còn sức chiến đấu, cô vẫn cống hiến cho môn võ đã theo mình gần 20 năm. "Bản thân tôi rất sẵn sàng và nóng lòng được sang Campuchia sớm nhất có thể để bước vào thi tài ở SEA Games 32. Tôi rất may mắn khi thường là người mở hàng cho đoàn thể thao Việt Nam, có thể một phần đến từ sự sắp xếp lịch đấu của Ban tổ chức. Tuy nhiên ở SEA Games 32 lần này khó có cơ hội đó bởi tôi sẽ thi sau. Mục tiêu của tôi luôn là hoàn thành bài thi thật tốt, từ lúc bước ra sàn đấu đến khi kết thúc, với không một điểm trừ", cô gái vàng của thể thao Việt Nam chia sẻ.
Là VĐV có thâm niên, Thúy Vi dính rất nhiều vết sẹo ở chân, tay, lưng do binh khí va đập vào trong quá trình tập luyện, thi đấu. Nữ võ sĩ sinh năm 1993 chia sẻ: "Sẹo nhiều lắm, mới có, cũ có. Khi bị thương mình có dùng thuốc bôi vào nhưng tập lại bị".
Phan Tú Bình (nội dung Nam quyền, Nam đao, Nam côn) cũng "sở hữu" nhiều vết sẹo ở tay, chân. Ngoài vết sẹo, cô và các đồng đội wushu thường xuyên bị chuột rút hay gặp rất nhiều những chấn thương, có người phải uống thuốc giảm đau khi thi đấu.
Gương mặt trẻ Phương Nhi không tham dự SEA Games mà là "của để dành" cho Asiad 19 diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc.
Còn Nông Văn Hữu là gương mặt sáng giá ở nội dung Nam đao, Nam côn, Trường quyền.
Những niềm hy vọng vàng của wushu Việt Nam nỗ lực cao nhất trong hơn 10 ngày còn lại, sẵn sàng cho kỳ SEA Games ghi nhiều dấu ấn trên đất Campuchia.
Sau những buổi tập mệt nhoài, Thúy Vi cùng các đồng đội xem lai băng ghi hình để rút kinh nghiệm. Được các chuyên gia Trung Quốc huấn luyện, tuyển wushu Việt Nam từng bước hoàn thiện mình, hướng tới kỳ SEA Games nhiều thách thức với quyết tâm giành vàng cho đoàn thể thao Việt Nam.