Cuốn sách Người đẹp ngủ mê được Kawabata Yasunari viết và xuất bản vào năm 1961. Tác phẩm dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ XVII ở Nhật Bản.
Người đẹp ngủ mê kể về những lần ghé thăm của ông lão Eguchi, 67 tuổi, đến ngôi nhà đặc biệt với những trinh nữ xinh đẹp, tuổi chưa đến 20, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, hoàn toàn khỏa thân trong tình trạng ngủ say. Mở đầu cốt truyện với nội dung: “Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa. Các vị khách đến đây giống như ngủ với một ông Bụt vô hình. Đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được”.
Mỗi chương của tác phẩm là những lần ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà đặc biệt này. Mỗi lần như vậy, ông lại ngủ với các cô gái khác nhau. Màn đêm tối buông xuống, hơi thở êm dịu của những cô gái, gió thỉnh thoảng thổi qua mái nhà, tiếng sóng biển ầm ầm đập vào vách đá, Eguchi có những hồi tưởng, hoài niệm khắc khoải khác nhau về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Một ẩn dụ rõ ràng về sự tiếc nuối văn hóa, vẻ đẹp xưa kia ở Nhật Bản chỉ có thể gợi nhớ lại qua những khung cảnh, hình ảnh tương tự như thế.
Việc ngủ cạnh những cô gái trong ngôi nhà đặc biệt đã khiến tâm tưởng ông lão Eguchi tìm ra nhiều cung bậc cảm xúc khác thường trong khi vẫn tôn trọng quy định của ngôi nhà.
Kawabata Yasunari viết: “Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông... Và số phận ông nàng cũng chẳng mảy may biết đến”. Hơn hết, nhân vật chính cô đơn trong chính tâm thức của mình: “Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông”.
Điểm cốt lõi của tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê bắt nguồn từ nhân vật chính tự chiêm nghiệm về chính con người thực sự của mình.
Ở hành trình đó, tác giả đã tạo ra những cuộc gặp gỡ, sự quan sát của ông lão Eguchi về vẻ đẹp thể xác của các cô gái. Tác phẩm không chỉ đơn thuần tràn ngập miêu tả vẻ đẹp của một cô gái mà còn là sự suy tưởng về quy luật của thời gian, sự sống và cái chết, nỗi hoài niệm quá khứ, khao khát tương lai, lãng quên cuộc sống hiện tại. Từ đó, phản ánh một đời sống xã hội đầy tổn thương khiến con người dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, nỗi tiếc nhớ xót xa những tháng ngày chưa sống mà đã qua đi.
Càng về sau, Kawabata Yasunari đi sâu vào bản thể và ký ức của nhân vật chính, Eguchi tìm lại được những cảm xúc tinh thần thuần túy. Ông lão tin khi ở trong ngôi nhà đặc biệt này, chắc có nhiều lão già không những buồn rầu nhìn lại thời trai trẻ xa xưa mà còn tìm cách lãng quên bao điều xấu xa, độc ác đã làm dọc theo chiều dài cuộc đời họ.
Nhìn từ khía cạnh này, Eguchi nhiều lần xuất hiện cảm giác rằng những người đẹp ngủ mê phải chăng là sự hiện thân của một vị Bụt nào đó trong truyền thuyết.
Cũng trong tác phẩm này, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó, người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”. Người đẹp ngủ mê chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm.
Người đẹp ngủ mê giúp tác giả Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học năm 1968. Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.
Cuốn sách chứa đựng nhiều đối cực: tuổi già - tuổi trẻ, cái đẹp - cái chết, tội lỗi - trong sạch, tha hoá - nguyên sơ… Tác giả người Nhật dẫn dắt độc giả qua tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa vận động không ngừng, tạo nên sự khác biệt trong cảm nhận khi đọc tác phẩm.
Phước Sáng