* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Thương ngày nắng về đang ở giai đoạn cao trào, kịch tính được đẩy lên cao tạo nên sự bức bối, giằng xé. Nếu là bi kịch phải được đẩy lên cao trào, nếu là xung đột dần lên đỉnh điểm để sau đó gỡ nút. Vì vậy khen chê bây giờ cũng vẫn là vội vàng. Tuy nhiên, nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Nó là cuộc sống nhưng không phải là cuộc sống một cách trần trụi. Những diễn biến trong phim phải tuân thủ đúng những quy luật của tình cảm, tâm lý. Cái hay của nó chính là tính chân thực được hình tượng hóa, là cuộc sống nhưng đã được chưng cất.
Thương ngày nắng về phần đầu có thể nói là hay, là ổn. Mặc dù bộ phim được chuyển thể từ một kịch bản nước ngoài nhưng rất phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý tình cảm của người Việt ta. Đó chính là sự đầu tư của các biên kịch, đạo diễn. Nhiều trường đoạn đã làm cho khán giả không cầm được nước mắt.
Nhưng đáng tiếc là đôi khi cách khai thác tâm lý, tính logic của phim một vài chỗ không được chú ý nên trở thành phi lý, ức chế. Thật ra gây ức chế cũng là một thủ pháp nghệ thuật. Cái bi, cái hài phải được đẩy lên thành cao trào mới là nghệ thuật. Song đẩy đến đâu phải tuân thủ quy luật. Là tâm lý phải tuân thủ quy luật tâm lý, là tình cảm phải đúng quy luật tình cảm, là đạo đức phải đúng quy luật đạo đức.
Những tập gần đây, người xem đều bị ức chế bởi cách phá vỡ những quy luật thông thường ấy. Một bà mẹ đến nhận con nhưng ngay từ đầu chẳng ý tứ gì, nói chuyện đao to búa lớn với nhau không thể hiện được lịch sự tối thiểu. Khách đến nhà không mời vào đàng hoàng để nói chuyện dẫu biết đó là mẹ con nuôi mình. Rồi bà Tổng giám đốc gì mà bao nhiêu năm xa con, không hỏi han gì mà ngay khi mới đến đã đề cập để nhận con.
Tập mới nhất trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt, đó là cái cảnh “ngoại tình” của Khánh khiến người xem bức xúc. Đạo diễn hơi lố khi kịch bản đi hơi quá. Xem phim giải trí tý buổi tối mà muốn đập tivi; Em xin anh đạo diễn đấy! Phim ảnh kiểu gì mà chỉ biết khóc thôi à? Không biết làm gì à? Phim này là drama mẹ chồng?; Cả ngày đi làm mệt về xem phim giải trí đang stress thành trầm cảm luôn; Phim gì mà đẩy diễn biến phim lên quá như thế, xem stress luôn… là những nhận xét của khán giả.
Bà mẹ chồng như cái máy chỉ biết chửi con dâu. Chị chồng tàn ác và thủ đoạn mà phần lớn phi logic. Nếu bà mẹ chồng ít học thì không nói làm gì, tác giả xây dựng đây là một gia đình thành đạt, danh giá cơ mà? Ít nhất chửi cũng phải trúng chứ, đằng này các lần chửi đều chỉ căn cứ hình thức bên ngoài, cái sai bên ngoài, bình thường ai cũng nhận ra là phi lý. Cô con dâu thì không biết tự bảo vệ mình, trong trường hợp như vậy chỉ nói lý nhí câu “em bị oan Đức ạ”. Còn người chồng như người thiểu năng không có tư duy, không biết suy xét…
Có lẽ cái “nút ngoại tình” mà các tác giả “bố trí” muốn đẩy lên kịch tính, cao trào là “nút” phi logic nhất. Nếu định lấy chi tiết đó làm nút thắt, là cao trào thì xử lý, lời thoại cũng khác, phù hợp với quy luật tình cảm chút như vậy sẽ không trở thành hạt sạn. Chưa nói đến cái cảnh để bạn Duy chết trong một tai nạn để Trang nhận ra tình cảm dành cho Duy về logic là hợp lý nhưng người xem khó chấp nhận vì quá tàn nhẫn.
Thương ngày nắng về còn dài và còn nhiều diễn biến bước ngoặt phía trước. Người xem hy vọng những hạt sạn như trên ít đi để Thương ngày nắng về thật sự là bộ phim đáng xem.
Nguyễn Đăng Tấn
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi bài viết vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.