Sáng 27/8, Lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM, Quận ủy - UBND Q.1… và các anh hùng, nhân chứng lịch sử của Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tọa lạc tại số 145 Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM), chịu sự quản lý của nhà nước và chính quyền địa phương, đồng thời thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.
Bảo tàng hiện trưng bày hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và Lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Có 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động, gồm: Bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; Xe các chiến sĩ biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; Vũ khí; Vật dụng sinh hoạt; Dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; Thiết bị thông tin liên lạc…
Chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của ông Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968. Khi biết tin Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đi vào hoạt động, bà Huệ đã tình nguyện trao tặng kỷ vật quý.
Xe gắn máy hiệu Lambretta của ông Lai trang bị cho gia đình ông bà Trần Văn Hãng (Ba Hãng) - thành viên Ban công tác 1, Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau là Biệt động Sài Gòn sử dụng đi lại và hoạt động cách mạng trước năm 1975. Bà Trần Thị Triệu, con gái ông Ba Hãng, đã trao tặng kỷ vật quý trên cho bảo tàng.
Nhiều hiện vật được gửi tặng bảo tàng cùng những câu chuyện lịch sử liên quan đến lực lượng biệt động.
Bà Trần Thị Lệ Thu (từng là giao liên) xúc động khi chứng kiến những kỷ vật.
Bộ dụng cụ làm nghề mộc phục vụ cho công việc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập của ông Lai cùng hình ảnh về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được in trên tem.
Các cựu binh xúc động khi gặp lại đồng đội và cùng nhau ôn lại kỷ niệm.
Cùng với nhiều hiện vật quý là các màn hình tương tác thông minh để khách tham quan tra cứu hình ảnh và dữ liệu về các chiến sĩ và chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (cháu nội ông Trần Văn Lai) cho biết: "Toàn bộ dữ liệu sẽ được số hóa để lưu giữ tốt hơn dữ liệu về một lực lượng đặc biệt, bên cạnh đó cũng mở ra cơ hội sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) để tái hiện lại các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định.