Gian nan hành trình xây dựng nền tảng bản đồ số thuần Việt đầu tiên
Ý tưởng nghiên cứu và phát triển một nền tảng bản đồ số góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng xuất hiện trong tâm trí của ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn IOTLink, cách đây hơn một thập kỷ, khi còn rất ít người đề cập khái niệm bản đồ số.
Hành trình biến ý tưởng thành hiện thực của một startup nền tảng số gặp vô vàn khó khăn, tốn cả chuỗi thời gian mà nguy cơ thất bại rất cao.
Lãnh đạo IOTLink nhiều lần kêu gọi đầu tư, làm việc với một số chuyên gia nước ngoài mà không đạt kết quả như ý. Hệ thống nền tảng bản đồ số phải đập đi xây lại không ít lần. Từng có team (nhóm) phát triển hệ thống bị thay thế 100%, không giữ lại người nào.
Năm 2017, ban lãnh đạo của IOTLink có thêm sự góp mặt của ông Vũ Minh Trí, nguyên Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Sự hiện diện này trở thành “cầu nối” để IOTLink thu hút thêm nhiều nhân sự “chất”.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) gấp rút được thành lập với khoảng 50 người, gồm các tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư công nghệ cao – mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp công nghệ khác. Kinh phí đầu tư R&D hồi đầu chiếm tới 80 – 90% ngân sách hoạt động của công ty.
Chỉ khoảng một năm sau, nền tảng bản đồ số Map4D đã hoàn thiện về công nghệ. Công việc tiếp theo – xây dựng cơ sở dữ liệu – tiếp tục đòi hỏi không ít thời gian, tâm sức.
“Chúng tôi phải đi “gõ cửa” các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường… để tìm kiếm sự ủng hộ. Nếu các cơ quan chức năng hỗ trợ tốt về mặt cơ sở dữ liệu thì chúng tôi sẽ tạo ra rất nhiều tiện ích cho người dùng. Sau một loạt hoạt động thí điểm tích hợp, số lượng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sử dụng Map4D bắt đầu lớn dần”, ông Bùi Đức Hậu, Phó Tổng Giám đốc IOTLink nhớ lại.
Năm 2020, Map4D chính thức ra mắt và nhanh chóng “rinh” Giải Nhì Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions.
Tháng 11/2020, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức hẳn một buổi lễ ra mắt Map4D, nền tảng bản đồ số thuần Việt đầu tiên tại Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư người Việt nghiên cứu và phát triển, hạ tầng lưu trữ đặt hoàn toàn ở Việt Nam, đảm bảo tính bảo mật, an ninh quốc gia cao, có thể đáp ứng rất nhiều nhu cầu liên quan tới chuyển đổi số, đô thị thông minh…
Năm 2021, Map4D đạt Top 3 nền tảng số xuất sắc Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Kinh doanh mảng gần như chưa ai làm tại Việt Nam, IOTLink đi trên “đại dương xanh”, chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng cái khó là cũng chưa có mấy ai hình dung rõ nét về nền tảng bản đồ số thuần Việt.
“Đi tới các cơ quan nhà nước để giới thiệu Map4D, nhiều anh chị quen sử dụng nền tảng nước ngoài, lại không phải dân kỹ thuật, chưa hiểu rõ tại sao phải sử dụng Map4D trong khi các ứng dụng sử dụng bản đồ số nước ngoài hiện có vẫn đang “chạy” tốt. Một số doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng nước ngoài dù cũng thấy thích Map4D vì giá thành rẻ hơn, nhưng băn khoăn chưa dám quyết định thay đổi công nghệ vì e ngại rủi ro ảnh hưởng tới khách hàng, doanh thu. Có doanh nghiệp chúng tôi phải mất tròn một năm để thuyết phục, phải làm rất nhiều việc, kể cả ngồi lập trình giúp để app (ứng dụng) của họ hỗ trợ người dùng tốt nhất. Tìm case study (trường hợp khách hàng điển hình) đầu tiên đủ lớn, đủ sức ảnh hưởng quả là một bài toán khó đối với chúng tôi”, những vất vả ngày đầu đến giờ vẫn hiện rõ trong tâm trí ông Hậu.
Góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và nhiều lợi ích khác
Cam kết “nền tảng số thuần Việt 100%”, IOTLink kiên định không kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, dù biết rằng các nhà đầu tư ngoại sẵn sàng chi tiền để vận hành nhanh và mạnh hệ thống bản đồ số Map4D.
Những năm qua, IOTLink tập trung chinh phục thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đều sử dụng nền tảng bản đồ số của Việt Nam. Bởi nếu sử dụng các nền tảng số của nhà cung cấp nước ngoài sẽ khó bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Đặc biệt, với các cơ quan nhà nước, khi đưa ứng dụng về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng… lên các nền tảng số “ngoại”, những dữ liệu công, dữ liệu mang tính chất quốc gia sẽ khó đảm bảo an toàn thông tin.
“Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng các công cụ online không để ý tới chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong khi vấn đề này vô cùng quan trọng. Chỉ cần sơ sảy một chút có thể phải chịu hậu quả khá nặng nề, không lường trước. Trường hợp một nhãn hàng thời trang Việt Nam đăng tải bản đồ vi phạm chủ quyền trên kênh truyền thông của mình hồi tháng 4 vừa qua, bị cộng đồng tẩy chay, là một minh chứng. Cũng có doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền, song lúng túng không biết chọn nền tảng số nào để đảm bảo tính chính thống, an toàn, không bị “sao quả tạ chiếu mạng”. Nền tảng bản đồ số Map4D chính là câu trả lời mà họ cần”, ông Hậu tiếp tục câu chuyện.
Hiện hệ thống nền tảng Map4D đã có hàng nghìn tài khoản người dùng là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Họ không cần phải lập trình thêm, chỉ cần tích hợp Map4D vào giải pháp, ứng dụng của mình là có thể sử dụng ngay bản đồ số.
Với các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành logistics, dịch vụ vận chuyển như Grab, Be, Ahamove, Taxi Xanh…, bản đồ số là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu. Mai Linh và Ahamove là hai khách hàng đầu tiên sử dụng Map4D. Sau này, ngay cả nền tảng công nghệ điều vận xe trực tuyến EMDDI - chuyên làm ứng dụng kết nối cho các hãng taxi truyền thống – cũng đang sử dụng nền tảng bản đồ số thuần Việt của IOTLink.
Ông Nguyễn Cảnh Thức, Giám đốc Công nghệ của Ahamove cho biết: “Địa chỉ giao hàng là một trong những vấn đề quan trọng đối với Ahamove. Chúng tôi đang sử dụng giải pháp của Map4D để giúp cho khách hàng tìm được địa chỉ chính xác nhất ở trên nền tảng của Ahamove. Qua thử nghiệm và sử dụng rất nhiều giải pháp cung cấp dữ liệu bản đồ, chúng tôi thấy Map4D có giá cả cạnh tranh so với các nhà cung cấp nước ngoài, chất lượng dữ liệu và số lượng dữ liệu rất phong phú, hệ thống vận hành ổn định, độ trễ thấp. Giải pháp của IOTLink rất tin cậy và đáng sử dụng”.
Các tổ chức, doanh nghiệp chỉ dùng thử Map4D hoặc sử dụng Map4D để lập trình/thử nghiệm sản phẩm/ứng dụng hiện vẫn được miễn phí. Chỉ khi họ ra thị trường thực sự, có lượng người dùng đem lại doanh thu thì mới phải trả phí dịch vụ cho nền tảng bản đồ số của IOTLink.
“Sử dụng những nền tảng bản đồ “ngoại” phải trả phí cao, nhiều khi kết quả vẫn không chính xác. Map4D chi phí thấp hơn nhiều sẽ giúp các doanh nghiệp giảm giá thành dịch vụ, có thêm ngân quỹ tăng khuyến mại cho khách hàng, qua đó tăng tính cạnh tranh trên thương trường. Tùy API (giao diện lập trình ứng dụng), chi phí sử dụng Map4D có khi chỉ bằng 40% chi phí sử dụng Google Map. Mặt khác, sử dụng các tài khoản nền tảng bản đồ số của các nhà cung cấp nước ngoài, để tiền thuế “chảy” sang nước khác, sẽ khiến Việt Nam thất thoát một nguồn thu ngân sách không nhỏ”, ông Hậu lưu ý thêm.
Mong muốn mỗi người dân Việt Nam đều dùng Map4D
“Số người dân biết và sử dụng Map4D hiện tại vẫn chưa nhiều dù chúng tôi miễn phí sử dụng cho khách hàng cá nhân. Gần như tất cả điện thoại thông minh đều cài ứng dụng bản đồ số của nước ngoài, điển hình như Google Map. Nếu mọi người dân Việt Nam đều sử dụng nền tảng của Map4D thì sẽ phát huy tốt hơn giá trị của nền tảng bản đồ số thuần Việt, đồng thời đem lại nhiều giá trị gia tăng, lợi ích hơn cho chính người Việt”, Phó Tổng Giám đốc IOTLink thẳng thắn chia sẻ.
Câu hỏi của người sử dụng: “Tôi đã có Google Map để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, tại sao phải tải thêm Map4D” là nỗi trăn trở của lãnh đạo IOTLink.
Nhằm tăng số lượng người dân biết tới Map4D, IOTLink đã triển khai nhiều giải pháp như quảng bá trên website, cổng thông tin, fanpage và nhiều hoạt động truyền thông khác.
Bản chất của nền tảng số là không nhìn thấy được. Cần phải có ứng dụng tốt, thiết thực, hiệu quả chạy trên nền tảng bản đồ số làm minh chứng thuyết phục người dùng.
“Chúng tôi đã nghiên cứu làm một số ứng dụng như trải nghiệm 2D, 3D, 4D tìm đường, chỉ đường... Cơ sở dữ liệu và công nghệ so với Google cũng đạt khoảng 70 - 80%. Năm 2024 và tiếp đó, chúng tôi sẽ tập trung cho hoạt động nâng cấp ứng dụng phục vụ người dân tốt hơn, tăng trải nghiệm tốt cho người dùng, bổ sung các chức năng thiết thực với người dùng như cảnh báo về tốc độ, các biển báo giao thông (hiện Google Map chưa có tính năng về biển báo giao thông)… Bạn cứ hình dung một ngày, khi sử dụng Map4D, chỉ cần chọn điểm đi và điểm đến, thêm thao tác đặt chỗ đỗ xe tại điểm đến…, hệ thống sẽ chỉ rõ nên đi lối nào, tốc độ bao nhiêu, đỗ ở bãi gửi xe nào… Dĩ nhiên còn có rất nhiều lợi ích khác nữa”, ông Hậu vui vẻ tiết lộ.
Công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo) đang được IOTLink đầu tư để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa ngày càng phức tạp hơn của người dùng ứng dụng tích hợp trên Map4D, ví dụ như muốn di chuyển từ điểm A tới điểm B không chỉ bằng ô tô, xe máy mà còn kết hợp cả tàu điện, xe buýt.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, nhiều ứng dụng liên quan tới các lĩnh vực du lịch, giao thông, xây dựng, đất đai… cũng được đội ngũ IOTLink nghiên cứu, triển khai. Một số giải pháp ứng dụng đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, có thể kể tới: Giải pháp Quản lý viễn thông thụ động cho ngành thông tin và truyền thông; Giải pháp Quản lý hạ tầng kỹ thuật ứng dụng cho công tác quản lý đô thị; Trợ lý ảo cho du khách tại các điểm du lịch…
Với IOTLink, Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận Map4D nằm trong danh sách nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia vẫn chưa phải đích đến cuối cùng, mà tiếp tới là mong muốn Map4D có tên trong danh sách nền tảng số quốc gia để các bộ/sở/ban/ngành chủ động chia sẻ dữ liệu.
Lãnh đạo IOTLink mạnh dạn đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu kết hợp một số hệ thống như Ứng dụng định danh điện tửVneID, Quản lý dữ liệu quản lý lô/thửa đất, Quản lý dữ liệu địa chỉ vật lý…, để hình thành một bộ cơ sở dữ liệu chính thống, đầy đủ, chính xác hơn, cho phép IOTLink khai thác sử dụng nhằm tăng hiệu quả của Map4D.
Mới đây, IOTLink hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) xây dựng nền tảng địa chỉ số quốc gia. Nền tảng bản đồ số Map4D kết hợp nền tảng địa chỉ số quốc gia với độ chính xác 100% sẽ trở thành lợi thế vượt trội so với bất cứ nền tảng bản đồ số ngoại nào.
Concept lạ khi vươn ra thị trường nước ngoài
Cùng với nỗ lực hiện thực hóa khát vọng khẳng định chủ quyền đất nước, đứng vững trên thị trường Việt Nam, ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước sử dụng nền tảng số thuần Việt, lãnh đạo IOTLink đang hướng tới một ước mơ lớn khác: Vươn ra thị trường quốc tế.
Các nền tảng số thường có màu sắc riêng, thậm chí có màu sắc không thể thay thế. Màu sắc riêng của Map4D là 3D, 4D giúp người dùng dễ hình dung về các đối tượng hiển thị trên ứng dụng.
“Biết người biết ta”, IOTLink xác định rõ mình khó chạm tới thị phần của các tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn, Grab là tập đoàn hoạt động theo cơ chế quốc tế, không thể sử dụng nền tảng bản đồ số của Việt Nam cho các thị trường Lào, Campuchia…, nên họ sẽ buộc phải sử dụng các nền tảng ngoại như Google Map.
Theo Phó Tổng Giám đốc Bùi Đức Hậu, cách thức kinh doanh quốc tế của IOTLink sẽ khác với các tập đoàn như Google: “Họ làm dịch vụ toàn thế giới, chỉ dùng 1 nền tảng cho toàn thế giới. Concept (mô hình) của chúng tôi là làm nền tảng để phục vụ cho từng quốc gia. Nhìn ra các nước đang phát triển hoặc chưa phát triển, không ít nước chưa có nền tảng bản đồ riêng, vẫn đang xoay sở chuyện này. Mỗi quốc gia đều có đặc thù riêng. Chúng tôi dự định sẽ chuyển giao công nghệ nền tảng số, để họ tự xây dựng nền tảng bản đồ số quốc gia, làm chủ dữ liệu của họ và bảo vệ chủ quyền quốc gia của họ trên không gian mạng, chủ động hơn về chuyển đổi số”.
Hợp tác với Viettel là một trong những giải pháp được IOTLink tính tới để có thể mang nền tảng bản đồ số thuần Việt Map4D sang nhiều quốc gia khác. Viettel không chỉ có nhiều lợi thế về uy tín, thị trường, độ phủ mạng lưới, thời gian qua đã giúp IOTLink mở rộng tập khách hàng trong nước, mà còn đang tăng trưởng ấn tượng ở rất nhiều thị trường "ngoại".
“Sau khi phát triển ổn định tại thị trường trong nước, chúng tôi sẽ tự tin vươn ra thế giới. Đây cũng là một cách thức để chúng tôi sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành “kỳ lân” công nghệ, nhiệm vụ từng được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong một cuộc họp rằng bằng mọi giá phải làm”, Phó Tổng Giám đốc Bùi Đức Hậu hình dung về IOTLink tới năm 2030.