Công an tỉnh Lai Châu vừa qua đã bắt đồng loạt 15 cán bộ, công chức một số sở, ban, ngành, huyện về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Trước đó, Thanh tra tỉnh Lai Châu ra quyết định thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2021.

Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ các huyện bị thanh tra đã liên hệ, bàn bạc và thống nhất góp hàng trăm triệu đồng đưa cho đoàn thanh tra với mục đích xin giảm bớt các lỗi vi phạm. Thư ký đoàn thanh tra đã nhận hàng trăm triệu đồng hối lộ, sau đó cùng bà Trưởng đoàn thanh tra thống nhất và chia tiền cho các thành viên trong đoàn thanh tra.

Ở một diễn biến khác, gần đây cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can trong đoàn thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước (có nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra) đã từng tiến hành thanh tra Ngân hàng SCB để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đoàn thanh tra này đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền không trung thực dẫn đến việc giám sát Ngân hàng SCB không đầy đủ, đây là hành vi nghiêm trọng.

Hàng năm có không biết bao cuộc thanh tra từ thanh tra hành chính, thanh tra đột xuất, thanh tra định kỳ, thanh tra chuyên ngành… Trong đó, bao nhiêu cuộc thanh tra thực chất và đạt được mục tiêu theo quy định?  

Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Mục đích nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục cũng như phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật và phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân. Thanh tra còn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định pháp luật. Trích Luật Thanh tra tại Điều 2, 3, 5.

Người dân bản Giảng, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu chăm sóc rừng. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, một khi đối tượng bị thanh tra đã chi tiền và cán bộ thanh tra sẵn sàng nhận lấy, như trường hợp ở Lai Châu, để chia chác cho các thành viên trong đoàn thì kết quả thanh tra chắc chắn sẽ bị sai lệch, thậm chí là đảo lộn, đổi đen thành trắng. Các hoạt động thanh tra như thế này khiến cho những mục tiêu tích cực trong quy định pháp luật không còn ý nghĩa. 

Thực tế từng xảy ra nhiều vụ phá rừng trái phép có quy mô lớn gây xôn xao dư luận, lúc báo chí phản ảnh đã trở thành chuyện đã rồi. Câu hỏi đặt ra, vì sao rừng bị phá trái phép với diện tích lớn như vậy lại chậm được phát hiện dù trước đó cũng đã có các cuộc thanh tra kiểm tra? Liệu có sự tiếp tay, bao che cho các vi phạm phá rừng này hay không?

Các đối tượng góp tiền đưa cho đoàn thanh tra như khoản hối lộ nhằm giúp che giấu, giảm bớt những sai phạm, nếu có. Hành vi này cũng khuyến khích sự lạm dụng hoạt động công quyền với những cán bộ thanh tra hư hỏng, lợi dụng nhiệm vụ để trục lợi. Nhiều nơi khi có hoạt động thanh tra phải chịu phiền hà, nhũng nhiễu.

Tiêu cực trong công tác thanh tra là có nhưng bị bắt giữ cùng lúc nhiều đối tượng như mấy vụ kể trên có lẽ còn rất hiếm. Không loại trừ có một mắt xích tiêu cực, chung chi cho thanh tra phát hiện vi phạm để được bỏ qua mà dư luận râm ran bấy lâu nay, xem như quy trình ngầm. Tiền từ đâu ra để chung chi? Vì sao lại chung chi? Phải chăng từ phạm pháp mà có?

Một khi tiền chung chi hóa giải được kết quả thanh tra sẽ dẫn tới tình trạng vô nguyên tắc, xem thường pháp luật không sợ bị trừng phạt. Từ đó trong hoạt động quản lý có thể ngó lơ cho qua các sai phạm lớn, bé. Pháp luật không được áp dụng; xã hội hoài nghi tính hiệu lực, hiểu quả của luật pháp là điều rất tệ hại.

Cái mất mát lớn nhất ở đây không chỉ là thiệt hại, hậu quả đã xảy ra mà còn là đạo đức và niềm tin, làm đảo lộn giá trị và chuẩn mực xã hội. Coi trọng các mối quan hệ mờ ám, chạy chọt, chung chi bằng tiền khi có sai phạm hơn là ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, đúng đắn, lẽ phải. Đây còn là nguyên nhân tiềm ẩn tình trạng suy thoái nhân cách làm phát sinh các thứ bệnh hình thức, biến chất bộ phận không nhỏ cán bộ, xảy ra tham nhũng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng.

Các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay không phải là thiếu và không thể nói là chưa chặt chẽ, thậm chí ngược lại. Điều này cho thấy khuyết tật nằm ở chính những người được trao quyền để tham gia vào một phần hoặc toàn bộ quy trình thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao. Một khi những con người này bị lợi ích nhóm chi phối thì dù các thủ tục pháp lý có chặt chẽ đến đâu chăng nữa cũng bị họ vô hiệu hóa dễ dàng. Duv có trải qua nhiều lần cải cách hành chính, cập nhật và sửa đổi các quy định thủ tục pháp lý vẫn khó đạt được hiệu quả mong đợi.

Giải pháp cho vấn đề này phải là sửa chữa ở chính những con người, xử lý nghiêm cán bộ phạm pháp, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi. 

Từ vụ việc cán bộ thanh tra nhận hối lộ có thể mở đường củng cố niềm tin và xây dựng sự nghiêm minh pháp luật, chặt đứt quy trình tiêu cực chạy chọt chung chi khi có vi phạm.

Cần khuyến khích người trong cuộc chủ động tố cáo các vi phạm pháp luật bị ép buộc chung chi sẽ được coi là không có tội đưa hối lộ, kể cả trường hợp người tố cáo đó trót dính vào. Cần có thêm hoạt động thanh tra chéo, hậu kiểm. Đoàn thanh tra hoạt động cần có sự kết hợp với thành viên đại diện cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân. Và quan trọng nhất, cần có được những người có dũng khí, có tự trọng, tử tế.

Trần Văn Tường

'Muốn thanh thản thì đừng ăn không của ai cái gì!'Giá mà những quan chức đã "sa cơ" biết quý trọng danh dự và liêm sỉ để có được nhận thức đơn giản nhưng rất thanh tao của cụ bà bán rau vỉa hè "Ở đời, muốn được thanh thản đừng ăn không của ai cái gì!" thì họ đâu đến nỗi.