Dồn dập ra lệnh vào cuối nhiệm kỳ
Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa hơn 60 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia nước Mỹ”.
Trong danh sách, có nhiều cái tên đáng chú ý như nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, công ty sản xuất phương tiện bay không người lái DJI, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và hơn một chục viện nghiên cứu được kết nối với Tổng công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc...
Trước đó, trong danh sách đen đã có tên các tập đoàn lớn của Trung Quốc như: Huawei Technologies Co và 150 chi nhánh, ZTE Corp và nhà sản xuất camera giám sát Hikvision.
Với lệnh cấm này, các công ty Trung Quốc có trong danh sách gần như chắc chắn sẽ không được mua linh kiện và công nghệ Mỹ, bởi các công ty Mỹ được yêu cầu phải có giấy phép bán thiết bị và công nghệ cho các doanh nghiệp này.
Ông Trump đưa thêm một loạt doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen. |
Sở dĩ SMIC bị liệt vào danh sách đen là bởi chính quyền ông Trump cho rằng công ty này có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Các sản phẩm của DJI bị lo ngại được sử dụng để kích hoạt các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và các nơi khác.
Trước đó 1 ngày, ông Trump đã ký thông qua luật trục xuất các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ nếu cơ quan quản lý tài chính Mỹ không kiểm tra được kết quả kiểm toán. Luật trên được áp dụng với mọi công ty nước ngoài, nhưng đối tượng chính là các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhiều năm qua, hàng loạt công ty Trung Quốc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Mỹ để huy động vốn. Việc các công ty Trung Quốc thoải mái “phớt lờ” những quy định về công bố thông tin mà các doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ được cho là điều nguy hiểm.
Trước đó, Trung Quốc phản đối không cho cơ quan quản lý tài chính Mỹ kiểm tra kết quả kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với lý do “an ninh quốc gia”.
Luật mới của chính quyền ông Trump được cho là sẽ bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư Mỹ cũng như các doanh nghiệp niêm yết khác, đảm bảo mọi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ cần tuân thủ các quy định chung.
Giới quan sát nhận định, luật mới của Mỹ có thể ảnh hưởng tới các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba hay Baidu,... Cổ phiếu của SMIC đã giảm hơn 8% trong tuần qua.
Ông Trump tính đuổi doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ. |
Quan hệ Mỹ-Trung: Căng thẳng còn kéo dài
Đạo luật mới do ông Trump ký là một đòn nặng nề giáng vào tham vọng hút vốn và nâng cao sức mạnh công nghệ của các tập đoàn Trung Quốc.
Thị trường đã có những phản ứng tức thời. Theo Reuters, MSCI cho biết sẽ loại bỏ 10 công ty Trung Quốc, bao gồm những tập đoàn lớn như: China Communications Construction Co., Hangzhou Hikvision, SMIC và CRRC Corp. ra khỏi các chỉ số của mình.
Dự kiến, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc sẽ bị hủy giao dịch vào 5/1 tới. Theo sau đó, một dòng vốn lớn nhiều nghìn tỷ USD từ các quỹ có thể sẽ bị rút ra khỏi các công ty Trung Quốc.
Trước đó, Nasdaq cũng lên danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc bị xóa khỏi chỉ số này với những cái tên như: China Communications Construction Co, China Railway Construction Corp, CRRC Corp, Semiconductor Manufacturing International Corp.
FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices cũng đã tuyên bố loại bỏ các cổ phiếu Trung Quốc ra khỏi những chỉ số của mình.
Tháng 11, chính quyền ông Donald Trump đã ra lệnh cấm các công ty đầu tư, quỹ hữu trí và nhiều doanh nghiệp khác mua cổ phần tại hàng chục công ty Trung Quốc từ 11/1/2021. Đây đều là các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Cuộc chiến Mỹ-Trung dự báo còn kéo dài. |
Có thể thấy, với quy mô vài chục nghìn tỷ USD, việc loại bỏ những công ty Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều tới các rổ chỉ số lớn. Tuy nhiên, tác động đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc là rất lớn.
Các quyết định của MSCI, Nasdaq,... cho thấy hiệu quả nhanh chóng của lệnh cấm từ chính quyền ông Donald Trump trong việc giới hạn các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Tuyên bố của đại diện Nhà Trắng cho biết, trong nhiều năm, các nhà đầu tư Mỹ đã vô tình chi tiền cho các công ty thuộc quân đội Trung Quốc và điều này sẽ chấm dứt.
Quyết định mới nhất củng cố lập trường cứng rắn của của ông Trump với Trung Quốc mà ông theo đuổi suốt 4 năm qua. Động thái này cũng giành được tỷ lệ ủng hộ cao từ Quốc hội Mỹ.
Về trung và dài hạn, những di sản chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc có thể bị thay đổi nhưng trong ngắn hạn là khó đảo ngược cho dù căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa.
Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, khi Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ, có thể trở thành cường quốc kinh tế đe dọa vị trí số 1 của Mỹ. Mỹ và Trung bất đồng về nhiều vấn đề, từ thương mại, tài chính, tiền tệ,... và gần đây là đại dịch Covid-19.
M. Hà