Kinh tế hồi sinh sau khi bỏ Zero Covid
Các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đã hoàn toàn quay trở lại bình thường cũ, làm nền tảng tốt cho tăng trưởng - điều thật khó tin vào thời điểm này năm ngoái, khi 1/3 đất nước đã phong tỏa.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP quý 2 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021.
Trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, trong đó động lực chính tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 9,66%; tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Có nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng GRDP cao như: Bắc Giang 24%, Bắc Ninh gần 15%, Thanh Hóa hơn 13%, Quảng Nam gần 13%, Khánh Hòa gần 13%; Hải Dương gần 12%, Hải Phòng 11%, Quảng Ninh gần 11%, Vĩnh Phúc 10%, Hà Nội gần 7,8%, Đà Nẵng 7%, Đồng Nai 7%, Bình Dương 6,8%.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó, GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.
Những con số ấn tượng này cho thấy, cứ mở ra là người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển tươi tốt, chính sách chống dịch chuyển từ Zero Covid với đóng mở giật cục không tiên liệu được và gây đổ vỡ sang “thích ứng, an toàn” của Chính phủ là sáng suốt như thế nào.
Sức sống của dân
Phải nói thẳng rằng, chính người dân và khu vực doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng sinh động như trên.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm đạt tới 116.900, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, và lần đầu tiên vượt mốc 100.000 trong 6 tháng các năm trước đây.
Một trong những điểm ấn tượng nhất là tỷ trọng vốn của khu vực ngoài nhà nước ngày càng trở nên lớn mạnh, vượt trội so với tỷ lệ của các khu vực kinh tế khác kể từ năm 2020 trở lại đây. Chẳng hạn, tổng vốn đầu tư thực hiện của dân và doanh nghiệp tư nhân tăng rất cao, chiếm tới 57,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội được giải ngân trong quý 1, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình chỉ tầm 45% hàng năm.
Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021, tỷ lệ vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 59,5%, vượt trội so với vốn khu vực nhà nước là 24,7% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 15,8%.
Mức tăng tỷ lệ vốn của khu vực ngoài nhà nước quý 1 năm nay và cả năm ngoái là cực kỳ bất thường, mang tính bước ngoặt nếu so với các năm trước đây. Tỷ lệ của khu vực ngoài nhà nước chỉ là 44,9% năm 2020, 46% năm 2019. Điều gì phía sau tỷ lệ đầu tư mở rộng đáng kinh ngạc của khu vực dân doanh? Họ thực sự phát triển hay chỉ là số thống kê?
Bất luận thế nào, khu vực kinh tế này đang phát triển rất nhanh chóng, trở thành động lực chính của nền kinh tế trong bối cảnh các gói kích cầu, phục hồi chưa triển khai được bao nhiêu.
Điều đó cho thấy, người dân và doanh nghiệp trong nước có thể còn phát triển tốt hơn nữa nếu được tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng, bớt nạn hành chính quan liêu, giảm bớt nạn tham nhũng.
Tăng trưởng dưới tiềm năng
Việc tăng trưởng quý 2 cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021 không có gì lạ. Cũng không có gì lạ khi tăng trưởng của quý 3 được dự báo sẽ vọt lên gần 2 con số, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế. Lý do: Tăng trưởng của các quý tương ứng của năm 2021 là thấp nhất trong lịch sử thống kê quý. Tăng trưởng cao trên nền tảng thấp là chuyện bình thường, không có gì đáng tự hào.
Vấn đề nằm ở chỗ, cho dù tăng trưởng có cao như thế nào thì có lẽ quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ không đạt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch 2021-2025 sau khi năm 2020 tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91% và năm 2021 chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Thông tin thống kê đã được luật hóa là phải đáp ứng các nguyên tắc cơ bản “trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời”…, để giúp các nhà hoạch định chính sách phân tích, điều hành chính sách vĩ mô phù hợp, hiệu quả.
Xem ngayBắt đầu từ năm 2021, GDP được điều chỉnh tăng hơn 25% sau khi tính toán lại. Người ta tính toán, GDP năm 2021 có thể đạt 9 triệu tỷ đồng, tăng rất cao so với GDP đạt 6,3 triệu tỷ đồng (làm tròn) năm 2020.
Song, trên thực tế, quy mô GDP năm 2021 chỉ đạt 8,4 triệu tỷ đồng (làm tròn), theo Tổng cục Thống kê, kém xa so với con số dự kiến.
Việc GDP được điều chỉnh tăng hơn 25% được Tổng cục Thống kê biện giải là bổ sung 76.000 doanh nghiệp, gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Lời giải thích như vậy khá sơ sài và vụng về do hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia và hệ thống thuế quốc gia là kết nối liên thông 24/24 giờ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, với tốc độ tăng trưởng GDP 2,58% năm 2021, để đạt mục tiêu tối thiểu của nhiệm kỳ là 6,5%, thì con số tăng trưởng trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%.
Vì thế, ông nhận xét, yêu cầu và áp lực đổi mới, hành động nhanh, mạnh chưa từng có đã trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ để có thể đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025. Nếu không, tăng trưởng trung bình hàng năm của nhiệm kỳ này chỉ ở mức khoảng 5%.
Cùng với tăng trưởng thấp là nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu ngày càng hiện hữu. Đây là điều mà cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều không mong muốn. Một chương trình phục hồi kinh tế, đảm bảo được ổn định vĩ mô, môi trường kinh doanh an toàn, công bằng và nhiều yếu tố khác là rất cần thiết để khơi thông sức dân.