Song phải thú thật, không phải số liệu nào cũng tạo cho tôi cảm giác tin tưởng. Lần này là số liệu lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Lạm phát thấp bậc nhất thế giới
Trước hết, phải thú nhận rằng, các số liệu về lạm phát và CPI của Việt Nam được báo cáo khá đa dạng, lại phức tạp nên rất khó hiểu với nhiều người, kể cả các học giả, các chuyên gia, không như nhiều nước khác chỉ dùng một số liệu là CPI.
Chẳng hạn, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chi tiết hơn: CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%).
Lạm phát cơ bản được giải thích là CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.
Như vậy, các số liệu về lạm phát và CPI là rất đa dạng khi so sánh với các thời điểm khác nhau và có một điểm chung: thấp so với tốc độ lạm phát trên thế giới.
Nhiều quốc gia đang trải qua đợt lạm phát kỷ lục trong 4 thập kỷ qua. Trong tháng 5, Anh ghi nhận tỷ lệ lạm phát lên tới 9%, Mỹ chạm mức kỷ lục 8,6%; Đức 7,9%, Pháp 5,2%, Italia 6,9% và Tây Ban Nha 8,7%. Lạm phát của khối OECD là 9,6%, của G20 là 8,8% và EU là 8.8%.
Lạm phát của họ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chung như giá xăng dầu cao, tác động ngược của gói kích thích kinh tế, đứt gãy chuỗi sản xuất do Covid-19, thiếu hụt lương thực, thực phẩm…
Vấn đề là ở chỗ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở hàng đầu thế giới khi đã tham gia 14 FTAs thế hệ mới nên chắc chắn rất nhạy cảm, dễ bị tác động và tổn thương khi có các biến động trên thế giới.
Song, CPI và lạm phát ở Việt Nam, như nêu trên, là rất thấp và dường như không chịu tác động gì từ thế giới?
Dân Hà Giang tự cung, tự cấp?
Theo Tổng cục Thống kê, CPI hàng tháng được cơ quan này tính toán dựa trên thông tin thu thập tại 40.000 điểm điều tra giá với 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến ở 63 tỉnh, thành phố.
Có thể nói, số lượng lấy mẫu như vậy là rất lớn, cần nhiều nhân lực và chỉ cần một số nhân viên lười, không chuyên tâm điều tra, phỏng vấn thì kết quả lấy mẫu sẽ khác đi rồi. Có vài lãnh đạo thống kê địa phương từng kể cho tôi biết, trong không ít trường hợp, việc điều tra lấy mẫu khó khăn, gian khổ như thế nào mà vẫn không có kết quả. Song, các báo cáo vẫn phải gửi đi.
Thực tế này được một cán bộ của Tổng cục Thống kê ám chỉ khi trả lời phỏng vấn báo Giao thông: “Giá cả tại Hà Nội và TP.HCM tăng cao, nhưng tại Hà Giang lại không thay đổi. Chúng tôi có hỏi tại sao có sự khác biệt này, cán bộ tỉnh Hà Giang trả lời, họ là khu vực miền núi, người dân chủ yếu sống tự cung tự cấp, họ trồng được lúa, rau, nuôi được gà... nên họ tự tiêu dùng. Nếu ở chợ tăng giá thì không ai mua cả”. Giải thích như trên cứ làm như người Hà Giang còn sống thời tiền sử, hàng đổi hàng cách đây hàng ngàn năm!
Trong khi đó, ở góc độ địa phương, không ít cán bộ của ngành thống kê chịu sức ép rất lớn từ chính quyền, những người có xu hướng yêu cầu tăng trưởng phải cao. Xin lấy ví dụ, trong nửa đầu năm nay, một số địa phương có tăng trưởng rất cao như Bắc Giang (24%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,4%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,9%), Hải Dương (11,8%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,7%), Vĩnh Phúc (10,1%).
Những con số này có được chính thức đưa vào hệ thống tài khoản quốc gia hay không? Dĩ nhiên là không. Trách nhiệm giải trình không có thì làm sao đảm bảo được công khai, minh bạch nên việc số đẹp là có thể xảy ra.
Kể lại câu chuyện này, tôi hoàn toàn không có ý rằng, số liệu thống kê như CPI, lạm phát, GDP được vẽ ra hay tô hồng. Thay vào đó là câu hỏi, liệu số liệu đầu vào không chuẩn có làm số liệu đầu ra sai lệch?
Những điều bất thường
Xin lấy một vài ví dụ. Trong 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng vỏn vẹn 2,44%, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Nếu đặt con số lạm phát cơ bản cạnh lãi suất VNĐ thì rõ ràng có điều gì đó cực kỳ bất thường.
Lãi suất huy động ở không ít ngân hàng thương mại đã vọt lên quanh 7-7,3%; lãi suất cho vay đã tăng lên đến 10-12% ở một số ngân hàng, chưa kể 2-3% chi ngoài.
Các mức lãi suất huy động và cho vay cao như thế kia là cực kỳ tương phản với mức lạm phát thấp được báo cáo. Thông thường, mức lãi suất huy động cao hơn lạm phát ít nhất là 3 điểm phần trăm để đảm bảo ngân hàng thương mại hoạt động và dân tin mà gửi tiền.
Lãi suất cao như vậy là do các ngân hàng thương mại ăn sạch của nền kinh tế hay do lạm phát đã cao lên, làm cho giá tiền đồng đắt lên? Lãi suất cao như vậy thì doanh nghiệp nào làm ăn có lãi, sản phẩm nào của Việt Nam có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà?
Báo cáo thống kê có lý giải, lạm phát tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Nhận xét định tính như trên rõ ràng khác với tính toán của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: “Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế”.
Giá xăng Ron 95 ngày 1/7 là 32.760 đồng/lít so với giá ngày 26/6/2021 là 20.910 đồng/lít - tăng 56,6%. Vậy GDP đã giảm tương ứng là bao nhiêu khi đặt trong phép tính trên của ông Bích Lâm?
Nếu thuế xăng dầu giảm chứ không cao ngất như hiện nay thì tăng trưởng còn cao đến đâu!
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; giá xăng dầu tăng gây tác động mạnh mẽ, bao trùm đến mọi mặt đời sống, làm giá cả đắt đỏ lên nhiều so với trước mà báo chí đã phản ánh rất nhiều thời gian qua.
Rõ ràng, khi CPI thấp đẹp đẽ, giá xăng bình thường thì không thể có chuyện một nửa số tàu cá nằm bờ, lương công nhân tăng cao mà doanh nghiệp không tuyển dụng được, và các doanh nghiệp, người dân khó khăn đến vậy.
Chỉ xin lưu ý một điều, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn luôn nêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một sau những gì đã trải qua trong cuộc khủng hoảng trước.
Tư Giang - Lan Anh