Theo Popular Mechanics, kể từ khi Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao 4 Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) đầu tiên cho Kiev vào tháng 6/2022, tổ hợp này đã nhanh chóng chứng minh được hiệu quả.
Tháng 7/2022, các tên lửa của HIMARS đã phá hủy cây cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnipro, làm gián đoạn tuyến đường tiếp tế của lực lượng Nga tại Kherson. Tháng 10/2022, các lực lượng Ukraine lại công bố một đoạn video ghi lại cảnh HIMARS phục kích và bắn nổ một đoàn xe tăng của đối phương.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, tính tới cuối tháng 11/2022, lực lượng nước này đã sử dụng HIMARS để tập kích hơn 400 mục tiêu. Ngoài ra, chưa có hệ thống nào trong số hơn 20 tổ hợp HIMARS được Washington chuyển giao cho Kiev bị tổn hại.
Sự hiệu quả của HIMARS tại Ukraine đã khiến đồng minh của Mỹ nhanh chóng đặt mua. NATO cũng giới thiệu cấu trúc hỗ trợ hậu cần cho tổ hợp này như một biện pháp tăng cường phòng thủ chung. Thực tế, HIMARS không phải là vũ khí mới, song hiệu quả của nó ở Ukraine khiến nhiều người bất ngờ.
"Thật đáng kinh ngạc khi họ có thể sử dụng HIMARS hiệu quả đến vậy mà không có Hệ thống dữ liệu chiến thuật pháo binh tiên tiến (AFATDS)", nữ sĩ quan Nikki Rizzi - người được triển khai cùng tổ hợp HIMARS tại Afghanistan chia sẻ.
AFATDS là hệ thống quân sự độc quyền của Mỹ, cho phép pháo binh nước này đánh giá các vị trí mục tiêu, điều phối các yếu tố trên không và mặt đất, đồng thời giám sát các nhiệm vụ đang diễn ra. Hệ thống này không nằm trong số các thiết bị được Washington gửi cho Kiev.
Để thay thế cho AFATDS, lực lượng Ukraine đã linh động sử dụng các UAV trinh sát, radio và ứng dụng điện thoại di động để tìm kiếm mục tiêu và lên kế hoạch pháo kích. Sau khi xác định được tọa độ của mục tiêu, binh lính Ukraine chỉ cần nhập thông tin thủ công rồi khai hỏa.
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho biết, sự thành công của HIMARS tại Ukraine tới từ các yếu tố như tính chất của các cuộc giao tranh, năng khiếu của các binh lính... Ngoài ra, sự đơn giản khi vận hành và tốc độ nạp đạn nhanh của HIMARS cũng là yếu tố tạo nên thành công cho HIMARS.
Tuy vậy, khả năng tập kích liên tục của HIMARS cũng đem lại những lo ngại về nguồn cung đạn pháo của Ukraine. Một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ, Washington đã gửi "hàng nghìn" quả tên lửa GMLRS cho Kiev, nhưng chúng không thể đáp ứng kịp nhu cầu trên tiền tuyến.