Thuật ngữ “quiet firing” lần đầu được đề cập trong một video lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 24/8, theo TIME. Khái niệm này được mô tả rằng các công ty chủ động tạo mọi điều kiện làm việc không thuận lợi nhằm buộc nhân viên tự nguyện rời bỏ công ty.
Theo Huffpost, một số biểu hiện của tình trạng này bao gồm:
Nhân viên không được thăng chức và tăng lương dù đã làm việc nhiều năm, nhưng không có lý do rõ ràng
Kỳ vọng và khối lượng làm việc thay đổi không được báo trước, nhân viên được giao những công việc đòi hỏi ít kinh nghiệm hơn.
Nhà quản lý chủ động rút lại các cơ hội phát triển hoặc đặt nhân viên vào những lộ trình không phù hợp.
Từ đó, nhân viên cảm thấy bị cô lập và không được coi trọng sẽ tự động từ chức để đi tìm một công việc mới.
Theo một nghiên cứu gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew, việc trả lương thấp và không có cơ hội phát triển là những lý do hàng đầu khiến nhân viên quyết định thôi việc.
Bênh cạnh đó, một khảo sát của LinkedIn News vào tháng 8 cho thấy 48% nhân viên từng chứng kiến tình trạng này ở công ty. Trong khi đó, 35% cho biết đã phải đối mặt thực tế.
Vậy, nhân viên nên làm gì khi có những dấu hiệu cho thấy sếp đang “âm thầm sa thải” họ?
Trao đổi trực tiếp với quản lý
Nếu bạn cho rằng mình đang bị sa thải trong âm thầm, hãy chủ động tìm cách nói chuyện với người quản lý.
“Bạn cũng có thể tìm tiếng nói chung với những nhân viên cùng cảnh ngộ trước khi quyết định nói chuyện với sếp”, chuyên gia tư vấn về các vấn đề đa dạng, công bằng và hòa nhập Janice Gassam Asare nói với TIME.
Tương tự, nhiều nhà cố vấn nghề nghiệp khác cũng cho rằng cách tốt nhất để giải quyết sự mơ hồ trong công việc này nằm ở việc cần nói chuyện minh bạch với người quản lý.
Nếu một người quản lý không sẵn sàng đàm phán với bạn về việc chấm dứt hợp đồng, thì bạn nên chủ động hỏi xem liệu mình còn cơ hội phát triển ở công ty không.
Nếu cuộc trò chuyện không hiệu quả, bạn nên sẵn sàng nói chuyện với các lãnh đạo cấp cao hơn về sự phù hợp của bạn với tổ chức, theo Jessica Kriegel, giám đốc khoa học về văn hóa doanh nghiệp tại Culture Partners.
Tìm sự hỗ trợ từ những người có thể lên tiếng giúp bạn
Kriegel cũng giải thích rằng gốc rễ của việc “sa thải trong im lặng” là do giao tiếp kém hiệu quả trong môi trường làm việc.
“Nếu quản lý là người không thích xung đột, hoặc ngại những chuyện khó nói, có thể họ sẽ không có đủ can đảm để nhận xét và đưa ra đánh giá về hiệu suất công việc của bạn”, cô nói.
Vì vậy, ngoài việc trao đổi trực tiếp với cấp quản lý, nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những nguồn lực khác. Những đối tác hay cố vấn thân cận của quản lý, hay những nhân viên thân thiết có tiếng nói và sẵn sàng ủng hộ bạn.
“Chú trọng việc thiết lập mối quan hệ với những người khác trong tổ chức của mình cũng là một bước phát triển nghề nghiệp quan trọng”, Kriegel nói.
Chuẩn bị tư liệu cho cuộc thảo luận
Bạn nên có những hiểu biết cơ bản về quá trình thăng chức và tăng lương của công ty bằng cách đọc kỹ các thông tin này trong sổ tay nhân viên. Những căn cứ này có thể giúp cho các cuộc trò chuyện với người quản lý trở nên dễ dàng hơn.
Tương tự, việc lưu giữ hồ sơ về những thành tích và đóng góp của mình trong công việc, cũng như thang lương cho từng vị trí có thể giúp nhân viên thuận lợi đàm phán về trường hợp hiện tại của mình với cấp trên.
Nếu không thể thay đổi được gì, hãy cân nhắc thôi việc
Cara de Lange, một cố vấn về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, cho rằng nếu cuộc thảo luận của bạn với cấp trên rơi vào bế tắc, có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc rời đi.
Bởi lẽ nếu một nhân viên không không đáp ứng được những kỳ vọng trong công việc, họ nên được tổ chức của mình cung cấp những phản hồi và sự hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để có thể phát huy năng lực làm việc.
Tuy nhiên, Gassam Asare cảnh báo rằng nghỉ việc chỉ nên là phương án cuối cùng, đặc biệt trong tình trạng suy thoái kinh tế và nhiều công ty cắt giảm nhân sự.
Thay vào đó, hãy tìm kiếm mọi nguồn lực sẵn có, tham gia vào các công đoàn để đảm bảo quyền lợi và có thể lên tiếng nếu cảm thấy mình đang bị đánh giá thấp tại nơi làm việc.
Theo Zing