Với ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch của VCCI, tổ chức đã gắn liền với các sáng kiến cải cách ở địa phương sau 18 năm thực hiện báo cáo PCI, trách nhiệm hiện nay được đặt lên chính quyền các tỉnh.
Trích dẫn hàng loạt số liệu, như mỗi tháng có 20 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp FDI có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới, ông nói, trong bối cảnh bất lợi đó, vai trò của các chính quyền địa phương "cần được tăng cường nhiều hơn nữa, được kỳ vọng lớn hơn nữa" để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
‘Chuyện của địa phương thì địa phương phải giải quyết’
Lời thúc giục đó chắc chắn là thuyết phục. Một lãnh đạo địa phương nói: “Bản thân các lãnh đạo địa phương phải năng động, sáng tạo, phải am hiểu tình hình địa phương địa, phải biết chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp mới tháo gỡ được. Chuyện của địa phương thì địa phương phải giải quyết chứ làm sao trông chờ vào những người khác được!”.
Tiến trình cải cách ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã chứng kiến những sáng kiến thường được thực hiện từ dưới lên, từ thực tiễn của cuộc sống. Nó đòi hỏi các cán bộ lãnh đạo phải thực sự sâu sát, bản lĩnh, đồng cảm với khó khăn của người dân ở chính địa phương mình.
Trong tinh thần đó, ấn tượng là rõ ràng với Đắk Nông, địa phương đã nhảy vọt mấy chục bậc từ cuối của bảng xếp hạng PCI cách đây mấy năm lên thứ 38/63 tỉnh trong báo cáo của VCCI năm nay. Là một trong những tỉnh được thành lập mới nhất năm 2004, Đắk Nông chỉ được biết đến qua dự án tổ hợp công nghiệp bôxít – nhôm, gần đây là trung tâm điện năng lượng tái tạo và một số sản phẩm nông nghiệp. Trên mặt báo, ít khi Đắk Nông xuất hiện.
Thành tích nhảy bậc của Đắk Nông trong báo cáo PCI 2022, dù còn lâu mới lên đến top 10, phải có nền tảng của nó chứ không đơn giản. Tỉnh đã thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn hoặc ra quyết định cuối cùng với những vấn đề tồn đọng lâu năm. Có những dự án lớn, phức tạp được nhiều cơ quan cùng tập trung tháo gỡ. Có những dự án treo hàng chục năm của doanh nghiệp, họ giữ đất nhưng không làm, đã bị thu hồi lại để giao cho nhà đầu tư mới. Các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thường xuyên để nắm bắt, tháo gỡ ngay những vướng mắc trong nỗ lực giúp dự án được đưa vào triển khai nhanh nhất.
“Tôi luôn động viên anh em, ai cố tình làm sai vì cái riêng thì không được nhưng ai làm vì cái chung là khác, chứ nếu sợ trách nhiệm thì ai làm. Phải có nhiều sự hỗ trợ, tương hỗ, động viên và cam kết của lãnh đạo. Người đứng đầu phải tạo mọi điều kiện cho anh em làm”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh nói với Tuần Việt Nam.
“Còn đối với lãnh đạo tỉnh, chúng tôi lúc nào cũng cởi mở, thân thiện và cầu thị. Chúng tôi biết mình nghèo, lại sinh sau đẻ muộn, nên luôn phải cố gắng, nỗ lực”, ông Danh, Bí thư tỉnh ủy duy nhất không phải là trung ương ủy viên, nói thêm.
Tinh thần, độ quyết tâm của các cán bộ lãnh đạo địa phương rõ ràng là xung lực hoặc là trở lực cho bộ máy trong tỉnh. Các quy định của luật pháp là phải tuân thủ, nhưng thực tế lại muôn hình vạn trạng.
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều về phát triển kinh tế đêm là đi ngược gió rất ấn tượng. Ông nói, khách du lịch đến Bạc Liêu vào hát karaoke, đi nhậu chút xíu, mà mới 11h các quán đã phải đóng cửa thì làm sao thu hút khách du lịch được. Ông nhắn nhủ lực lượng cảnh sát giao thông dừng việc canh bắt khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức chứ việc canh người vi phạm để phạt không giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Sau chỉ đạo đó, những tiểu thương kinh doanh các dịch vụ ăn uống ở Bạc Liêu gửi thư cảm ơn đến Chủ tịch.
Lá thư phản ánh, một số nhà hàng, quán ăn, karaoke chỉ hoạt động cầm chừng, một số nơi phải cắt giảm nhân sự, doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế gia đình, của hộ kinh doanh, của doanh nghiệp nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung…
Thư có đoạn viết: “Chúng tôi không muốn chỉ trích bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào. Nội dung chính ở đây chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu và muốn nói lên những khó khăn mà chúng tôi đang vướng phải”.
Xin kể ra câu chuyện ở Bạc Liêu vì có thực tế là các tiểu thương ở một số tỉnh khác cũng viết thư phản ảnh khó khăn chồng chất của họ sau dịch và nhất là khi tăng cường kiểm tra nồng độ cồn tới lãnh đạo tỉnh, nhưng sự phản hồi và phản ứng chính sách không đáng kể.
Ngôi sao cải cách
Nhắc tới nỗ lực của địa phương không thể không nói đến ngôi sao cải cách Quảng Ninh. Với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc, nền tảng thể chế thân thiện và những nỗ lực cải cách vốn là di sản của các lãnh đạo tiền nhiệm, Quảng Ninh đã vững chãi đứng đầu trong báo cáo PCI suốt 6 năm nay.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nói: “Chúng tôi chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính quyền luôn đề cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình qua việc nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp”.
Quảng Ninh mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công. Họ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế.
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính của Quảng Ninh được thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ ngay tại Trung tâm Hành chính công. Tỉnh Quảng Ninh đang hướng đến chuyển đổi quy trình này sang 5 bước trên môi trường điện tử.
Ông Ký nhấn mạnh: Với phương châm "Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên", Quảng Ninh hiểu rõ, giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn.
“Ngôi vương” của Quảng Ninh đã tiếp thêm động lực cho rất nhiều tỉnh khác phấn đấu trong nhiều năm nay.
Tinh thần quyết liệt của đầu tầu Thủ đô
Khi đề cập đến các trục tăng trưởng của đất nước không thể không nhắc đến Hà Nội, nơi chứng kiến mấy lãnh đạo Thành phố vướng vòng lao lý gần đây và tâm lý đè nặng lên không ít cán bộ. Kể từ khi mở rộng Thủ đô cách đây gần 15 năm, Hà Nội chỉ phát triển được 1 khu công nghiệp mới đây; hàng trăm dự án bất động sản đã được cấp phép nhưng không triển khai. Nhiều lĩnh vực rất khó phát triển đến mức người dân truyền miệng câu nói "Hà Nội không vội được đâu".
Cho đến gần đây, chính quyền Thủ đô thống kê được 730 dự án chậm triển khai nằm trong diện rà soát đặc biệt, và dự kiến sẽ thu hồi 173 dự án trong thời gian tới để cấp cho các nhà đầu tư có năng lực thật sự. Chỉ riêng ở huyện Mê Linh có 60 dự án chậm triển khai hơn một thập kỷ, mà nếu thu hồi chỉ 5 dự án trong số đó đã có quỹ đất 1.000 ha cho phát triển.
Trước thực tế đó, trong mấy năm nay, lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo không cấp mới cho các dự án bất động sản, thay vào đó, họ quyết tâm xử lý, tạo điều kiện cho các dự án cũ còn treo.
Đó là cách tiếp cận đầy khó khăn vì “rút phép” các dự án đã được cấp phép ở Thủ đô là chuyện rất phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều lĩnh vực, đến nhiều cấp, nhiều ngành. Nhưng đó là quyết tâm của lãnh đạo Thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói, chỉ cần 10-20% dự án đã được cấp đi vào triển khai thì kinh tế Thủ đô sẽ phát triển tốt hơn nhiều. Ông Dũng nói rất quyết liệt: “Thành phố có quan điểm đã dừng là dừng".
Hà Nội sẽ chắc chắn khởi công được dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 tới đây và cam kết hoàn thành dự án như tiến độ. Đó là một núi công việc. Thành phố sẽ tiếp nhận khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ và quyết tâm xây dựng thành phố Hòa Lạc thành trung tâm công nghệ cao của cả nước.
Về kinh tế, Thành phố tăng trưởng 5,8% trong quý I năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là gần 178.000 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ; thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD, tăng 260% so với cùng kỳ.
Những thành tựu đó là rất đáng kể trong bối cảnh hiện nay, thể hiện Thủ đô là đầu tầu tăng trưởng của cả nước.
Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Thủ đô đã thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện trách nhiệm cao đối với cả nước, nhất là đóng góp vào GDP, ngân sách nhà nước; tích cực chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...
Đặc biệt, Thủ tướng rất ấn tượng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của thành phố trong tổ chức thực hiện dự án đường Vành đai 4, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến mạnh, thể hiện rõ vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Thành ủy; nhờ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Áp lực từ trên xuống
Những câu chuyện trên chỉ là một vài nét chấm phá về sự phát triển của một vài tỉnh và những hành động, chỉ đạo của những lãnh đạo địa phương. Nó chưa phản ánh hết những nỗ lực của nhiều cấp cơ sở. Nhiều cán bộ vẫn luôn tìm được cách để gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy phát triển cho dù khó khăn đến mấy, hệ thống luật pháp có chồng chéo, trùng lắp như thế nào.
Trong quý 1 năm nay có tới 5 tỉnh tăng trưởng âm. Đây là điều đáng báo động sau khi có tới 12 tỉnh tăng trưởng âm trong một quý năm 2020. Nhiều cán bộ ở không ít địa phương hiện nay bày tỏ tâm tư, thậm chí rụt lại, cầu an, không dám phản ứng trước đòi hỏi của thực tiễn.
Tâm tư này được nêu rõ trong Công điện số 280 gần đây của Thủ tướng: thời gian gần đây ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…
Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trong Công điện, Thủ tướng chỉ đạo phải kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Đó là những quyết tâm lớn để lấy lại động lực của cán bộ, công chức trong hệ thống, khơi thông lại những bế tắc phát triển của cả trung ương và các địa phương.
Tư Giang