“Một cơn bạo bệnh”
“Tuần trước, tôi có gặp 40 doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Họ nói thành phố này không có gì để làm cả. Mọi thứ đang đứng yên tại chỗ. TP.HCM cần nhìn thẳng các vấn đề cốt tử này".
Đây là cảnh báo rất thẳng thắn và không kém phần gay gắt của tiến sỹ Trần Du Lịch tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 do UBND TP.HCM tổ chức cuối tuần trước.
Đầu tàu tầu kinh tế TPHCM đã hụt hơi khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,7% trong quý I, xếp thứ thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng loạt các chỉ tiêu thống kê đều suy giảm nghiêm trọng.
Ông Trần Du Lịch nói như vậy sau khi phân tích, giải ngân đầu tư công chỉ 2% là “đáng buồn”, sức mua của thị trường ở TP.HCM thấp hơn trung bình cả nước là “chưa bao giờ xảy ra” và cam kết tháo gỡ điểm nghẽn thể chế “không được thực hiện”.
Đây là điều làm hai lãnh đạo cao nhất của TP.HCM đầy ưu tư. Bí thư Nguyễn Văn Nên được báo chí trích dẫn nói rằng, khó khăn về kinh tế của TP.HCM như “một cơn bạo bệnh” và đặt câu hỏi toàn thành phố, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị cơn bệnh này chưa?
Trong khi đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu vấn đề là công việc tồn đọng lẫn phát sinh nhiều rồi đặt câu hỏi, thành phố có bị rối không, có đồng chí nào, cơ quan nào không biết bắt đầu từ đâu, phải loay hoay trong mớ bòng bong hay không? Ông nói, gần đây ông nghe nhiều sở lấy ý kiến, sau đó báo 'chưa có ý kiến nên em chờ' và yêu cầu: “chấm dứt ngay việc này!".
Những trích dẫn trên trong cuộc họp ở TPHCM đã phần nào phác họa tình trạng khó khăn nghiêm trọng và nguyên nhân của nó. Những phát biểu của lãnh đạo là rất thẳng thắn và cầu thị. Chủ tịch Mãi còn tự hạ bậc thi đua vì giải ngân đầu tư công năm ngoái thấp.
Có lẽ, cuộc họp thẳng thắn như trên đã nêu bật hoàn cảnh ở TPHCM. Tuy nhiên, ở một số tỉnh khác, tình thế cũng khá ngặt nghèo, dù không được làm nổi bật.
Bắc Ninh âm sâu nhất
Thử tìm hiểu tình hình ở tỉnh Bắc Ninh, tỉnh có tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP sụt giảm nhiều nhất trong toàn quốc (-11,85%).
Tăng trưởng quý I của Bắc Ninh giảm sâu chủ yếu do khu vực công nghiệp sụt giảm. Các ngành này tăng trưởng âm, thậm chí âm rất nhiều như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Có 18/23 sản phẩm chủ yếu của tỉnh bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 100% các sản phẩm trọng điểm đều giảm, giảm nhiều nhất là sản phẩm máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối (-46,6%); tiếp theo là pin điện thoại các loại (-30,47%); đồng hồ thông minh (-29,95%). Đặc biệt, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học sụt giảm nhiều (-35,93%).
Động lực kinh tế của Bắc Ninh trong nhiều năm nay là khu vực FDI, khu vực doanh nghiệp trong nước nhỏ bé và rất manh mún. Khi khu vực FDI gặp trục trặc dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp của tỉnh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đã xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.
Điều đáng chú ý, đầu tư công của Bắc Ninh cũng rất đì đẹt như không ít địa phương khác. Đến hết quý 1, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân chỉ hơn 12% kế hoạch vốn năm 2023. “Chưa thấy lối thoát cho vốn đầu tư công” là báo cáo của ngành thống kê tỉnh nhìn nhận.
Quý I/2023, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 668 doanh nghiệp, thấp hơn so với số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 731 (tăng gần 46%) và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 12%).
Các động lực tăng trưởng đều hụt hơi
Ở bình diện toàn quốc, tăng trưởng kinh tế trong quý I là 3,32% là mức tăng trưởng thấp nhất của quý 1 kể từ năm 2011, chỉ cao hơn Quý 1/2020, là quý đầu tiên chịu tác động phong toả bởi Covid-19.
Điều đáng chú ý động lực cho tăng trưởng kinh tế đến từ khu vực dịch vụ (tăng 6,79%). Trong dịch vụ nói chung, bán buôn, bán lẻ… tăng 8,09%; ăn uống và lưu trú tăng 26%. Hai yếu tố này quyết định mức tăng trưởng dịch vụ nói chung vì bán buôn, bán lẻ chiếm tới 80% doanh thu dịch vụ.
Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực dịch vụ cũng cần bàn ở nhiều khía cạnh. Mức tăng 6,69% là mức tăng dịch vụ cao nhất của quý 1 trong giai đoạn 2016-2023. Đây có thể là điều bất thường vì dịch vụ ở nước ta chủ yếu là dịch vụ tiêu dùng cá nhân. Dịch vụ tiêu dùng cá nhân biến động thuận với mức tăng thu nhập và nghịch đối với lạm phát. Tức là, thu nhập tăng kéo theo tiêu dùng tăng, và ngược lại, thu nhập giảm làm tiêu dùng giảm theo. Bên cạnh đó, lạm phát tăng làm tiêu dùng giảm, và ngược lại.
Điều nghịch lý ở đây là quý I năm nay, GDP tăng thấp nhất, tức là tiêu dùng giảm, lạm phát tăng cao hơn các quý I khác, dịch vụ lại đạt mức tăng trưởng cao nhất. Đây là nghịch lý rất rõ nếu so với thực tế khi nhiều trung tâm thương mại, nhiều chợ đầu mối vắng tanh, đóng cửa; nhiều dãy phố thương mại treo đầy biển “Cho thuê nhà”; nhiều người lao động mất việc, hoãn việc, giãn việc…
Tình hình doanh nghiệp quý I cũng biến động bất thường. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục, khoảng 100 nghìn, cao hơn số gia nhập thị trường. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra ở nước ta tính theo quý. Thực trạng doanh nghiệp nói chung có thể còn khó khăn hơn con số rút khỏi thị trường đã công bố.
Đầu tư tư nhân chất lượng thấp và đang giảm sút; đầu tư FDI lần đầu tiên giảm cả về số thực hiện và đăng ký mới; trong đó số đăng ký mới giảm gần 40%, là mức giảm sâu nhất kể từ 2011.
Các động lực tăng trưởng khác như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đang tiếp tục suy giảm, khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong thời gian tới.
Đối diện với “thập kỷ mất mát”
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới cũng chưa được cải thiện trong năm nay. Theo dự báo, thì năm 2024 tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển có phục hồi nhưng chưa bằng một nửa so với năm 2022. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới đưa ra cảnh báo là giai đoạn 2021-2030 là “thập kỷ mất mát của kinh tế toàn cầu”; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm và thấp; ngay cả kinh tế Trung Quốc cũng dự báo tăng trưởng 3-3,5%. Điều này sẽ tác động bất lợi đến kinh tế nước ta.
Như vậy, tình hình bên ngoài không cải thiện nhiều, môi trường kinh doanh bên trong đang ở mức đáng cảnh báo động lực cho tăng trưởng tới đây sẽ là gì?
Bức tranh kinh tế chung hiện nay cho thấy, khu vực công hiệu quả, năng động sẽ đóng vai trò quyết định để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, hoặc ngược lại, thậm chí làm cho kinh tế khó khăn hơn nhiều.
Tình hình kinh tế - xã hội đang có xu hướng xấu đi, nhưng lại thiếu các đánh giá thực chất nghiêm túc, các kiến nghị giải pháp tương xứng đi kèm, và nhất là việc thực thi yếu kém do yếu tố tâm lý và động lực ở khu vực công của nhiều cán bộ, công chức bị tác động bởi việc xử lý các vụ án tham nhũng.
Gần đây Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Theo đó, nếu thực hiện ý tưởng mới (đã được phê duyệt) nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cán bộ được miễn kỷ luật Đảng và miễn xử lý trách nhiệm trước pháp luật.
Liệu hành lang pháp lý trên có giúp cán bộ ở khu vực công trở nên “dám nghĩ, dám làm” để đối diện với hoàn cảnh kinh tế hiện nay trong một “thập kỷ mất mát” còn ở phía trước?
Tư Giang