Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của doanh nghiệp, cộng với những vất vả riêng về mặt giới tính khi tham gia kinh doanh, khởi nghiệp, nhiều phụ nữ vẫn mạnh dạn và dấn thân trên con đường mình đã chọn.
Không bằng lòng với mức thu nhập cố định, cơ hội phát triển sự nghiệp bị hạn chế, họ chọn con đường kinh doanh tự do để chủ động xây dựng “cơ ngơi” cho riêng mình, làm theo cách và tốc độ mình mong muốn. Vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng nhờ thế mà được thể hiện rõ nét hơn.
Không hối hận khi bỏ việc công sở
Ngay từ khi tốt nghiệp đại học, chị Tươi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chọn làm việc tự do. Khác với những phụ nữ đi làm công sở, từ đó đến nay, chị Tươi đã chuyển đổi kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
Bà mẹ 2 con chia sẻ, chị không phù hợp với sự quản lý về mặt thời gian. “Trước đây, tôi từng làm công việc hành chính nhưng thấy thời gian rất gò bó và không đạt được hiệu quả mong muốn”.
Nhận thấy thời gian bỏ ra không mang lại hiệu quả công việc và thu nhập xứng đáng, chị Tươi đã không quay trở lại với công sở từ rất lâu. Hiện tại, chị là chủ một đại lý hãng đồ gia dụng có tiếng ở Hà Nội.
Nhiều người nghĩ rằng làm tự do sẽ có ít áp lực, thích làm thì làm, không thích thì nghỉ. Nhưng với chị Tươi, công việc mà chị đang làm thậm chí áp lực hơn cả đi làm thuê.
“Để trở thành đại lý của hãng, tôi phải bỏ ra số vốn 500 triệu đồng. Hai vợ chồng trẻ tự lực cánh sinh, không có sự giúp đỡ của gia đình, đó quả thực là một số tiền lớn. Thậm chí, 80% số tiền này tôi phải đi vay. Nói vậy để hiểu rằng, áp lực phải làm tốt là rất lớn, chứ không phải thích thì làm, không thích thì nghỉ” – chị Tươi tâm sự.
“Tiền thuê cửa hàng tăng, chi phí thuê nhân viên, điện nước… rồi chiến lược kinh doanh, làm thế nào để có khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ là những áp lực của người làm tự do”.
Tuy nhiên, chị cho biết, đến thời điểm hiện tại, chị vẫn thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. “Nếu cho tôi lựa chọn giữa làm công việc hành chính, văn phòng lương 10-20 triệu/tháng và kinh doanh tự do thì chắc chắn tôi vẫn lựa chọn kinh doanh tự do”.
Với chị, nếu làm văn phòng, các cơ hội về thu nhập, thăng tiến đều bị hạn chế hơn nhiều, nhất là với phụ nữ đã có gia đình, vướng bận con cái.
Với công việc kinh doanh tự do, chị được thoả mãn “vẫy vùng”, phát huy hết khả năng, đạt được hiệu suất dựa trên năng lực của mình. Chị nói, mặc dù là phụ nữ và đang làm tự do nhưng chị không chấp nhận quá thua kém chồng về thu nhập.
“Cả hai vợ chồng tôi đều là trụ cột về tài chính trong nhà. Nếu như chồng tôi kiếm được 10 thì tôi cũng phải kiếm được 9. Tôi luôn tự đặt ra mục tiêu như thế để bản thân có sự cố gắng đạt kết quả tốt nhất, không ỉ lại vào chồng”.
Khởi nghiệp vì khát khao của một người mẹ
Giống như chị Tươi, công việc hành chính cuối cùng của chị Hoàng Thị Minh Hồng (Lạng Sơn) là cách đây hơn 7 năm. Ngày đó, chị làm việc ở một văn phòng luật. “Công việc 8 tiếng/ngày khá bó buộc tư tưởng, cộng với đặc điểm khác chuyên ngành học nên tôi cảm thấy mình không được phát huy sở trường. Ngoài ra, khi có con nhỏ, công việc khiến tôi không thể chủ động chăm sóc con nên tôi đã từ bỏ”.
Từ đó đến nay, sau khi mở một cửa hàng thực phẩm sạch, rồi chuyển sang làm du lịch, chị Hồng đang dừng chân ở việc tạo dựng một cơ nghiệp sản xuất mì ngô bắt đầu có tên tuổi trên thị trường.
Dù là bán thực phẩm sạch hay sản xuất mì, chị Hồng cho biết, đó đều là những công việc xuất phát từ niềm đam mê và khát khao của một bà mẹ muốn cho con ăn đồ sạch, muốn tìm đầu ra cho cây ngô của bà con ở địa phương. Nếu như làm việc công sở, chị sẽ không có được niềm đam mê ấy.
“Kinh doanh tự do giúp tôi thỏa mãn đam mê của mình, được tự do phát triển những ý tưởng mình nung nấu, có được nguồn thực phẩm tốt cho gia đình từ chính tay mình làm ra và có được nguồn thu nhập tốt, tự chủ”.
Chị chia sẻ, nếu muốn một cuộc sống yên bình, hàng tháng lĩnh lương đều đặn thì công việc hành chính sẽ là một lựa chọn tốt. Chọn làm kinh doanh tự do là chọn một bài toán khó hơn cho chính bản thân và gia đình chị.
Giống như chị Tươi, bà mẹ người Nùng cũng phải đối mặt và xử lý rất nhiều vấn đề phát sinh từ doanh nghiệp của mình. Đặc biệt, với sản phẩm đang làm chị phải quản lý đầy đủ các quy trình từ lúc gieo hạt cho đến khi ra sản phẩm.
Bà mẹ 2 con hài hước nói rằng, nếu như ngày trước, chị chọn nghỉ làm công sở để tự chủ được thời gian dành cho gia đình thì bây giờ chị phải làm cả ngày, chứ không phải chỉ làm 8 tiếng.
Mặc dù đã có chồng chia sẻ việc chăm sóc con cái, có người giúp việc phụ việc nhà nhưng trong thâm tâm chị vẫn luôn muốn có nhiều thời gian hơn cho con. “Vì lí do phải cân bằng giữa công việc và gia đình nên đôi khi tôi chưa được dốc toàn lực cho sự nghiệp".
Tuy vậy, chị cũng khá hài lòng về sự phát triển trong công việc của mình khi đơn hàng ngày một lớn, nhà xưởng và vùng nguyên liệu ngày một mở rộng. Chị cho rằng, đây là sự lựa chọn đúng đắn mà chị chưa bao giờ thấy ân hận.
Câu chuyện của chị Tươi hay chị Hồng là 2 trong số hàng nghìn câu chuyện khởi nghiệp của những phụ nữ khác trong các năm gần đây.
Theo kết quả đánh giá Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của nhóm chuyên gia độc lập, đã có 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đề án được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2017 này đang được thực hiện đúng tiến độ so với kế hoạch, đạt 3/5 mục tiêu vượt trên 100% so với kế hoạch đề ra.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng những năm gần đây, hiện chiếm tỷ lệ hơn 25% tổng số doanh nghiệp và giữ vị trí cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Để xóa bỏ ranh giới vô hình cản trở sự phát triển và khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.